Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng Đề án Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 trên cơ sở phối hợp với các Bộ, ngành. Ngày 03/4/2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã tổ chức tọa đàm tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm lấy ý kiến đóng góp, hoàn chỉnh dự thảo của các chuyên gia khu vực miền Nam. Tham dự có đại diện của Ban soạn thảo, đại diện lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ cùng với đại diện của một số cơ quan quản lý nhà nước, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp. Trường Đại học Văn hóa TP.HCM đã cử đại diện tham dự.

      Đại biểu tham dự được nghe báo cáo chuyên đề về những kinh nghiệm và quá trình thực hiện dự thảo và quan điểm xây dựng Chiến lược Sở hữu trí tuệ của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược Sở hữu trí tuệ của Việt Nam nhằm cụ thể hóa Chương trình hành động của Chính phủ theo tinh thần nghị quyết 99/NQ-CP ngày 03/10/2017, thực hiện nghị quyết số 11-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: PĐD.

      Nội dung dự thảo Chiến lược Sở hữu trí tuệ phản ánh sáu quan điểm của Việt Nam trong việc xây dựng và mục tiêu chung: Phát triển hệ thống Sở hữu trí tuệ Việt Nam bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, bảo đảm hiệu quả, đồng bộ ở cả bốn yếu tố cấu thành: sáng tạo, xác lập, bảo vệ và khai thác tài sản trí tuệ; Sở hữu trí tuệ thực sự trở thành động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, tiến tới đưa Việt Nam trở thành quốc gia đổi mới sáng tạo.

      Dự thảo Chiến lược xác định các nhóm nhiệm vụ giải pháp, tập trung cụ thể về sở hữu trí tuệ: Hoàn thiện chính sách pháp và pháp luật về sở hữu trí tuệ, Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, Thúc đẩy các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, Khuyến khích và nâng cao hiệu quả khai thác tài sản trí tuệ, Phát triển các hoạt động hỗ trợ, bổ trợ sở hữu trí tuệ, Nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, Tăng cường nguồn nhân lực cho hoạt động sở hữu trí tuệ, Xây dựng văn hóa sở hữu trí tuệ, Tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, Tích cực, chủ động hội nhập quốc tế về sở hữu trí tuệ.

      Đối với những ngành nghề đạo tạo của Trường Đại học Văn hóa TP.HCM hiện nay, có thể nói liên quan khá nhiều đến sở hữu trí tuệ; trong đó các chuyên ngành khá gần như Xuất bản, Thư viện – thông tin, Quản lý hoạt động văn hóa, nghệ thuật, Di sản văn hóa, Truyền thông… Việc cập nhật thông tin, kiến thức liên quan đến sở hữu trí tuệ trong các chuyên ngành liên quan là cần thiết, tạo cơ sở bước đầu trong cách tiếp cận của người học – đặc biệt tôn trọng quyền sở hữu trong nghiên cứu khoa học, tránh và hạn chế những vi phạm về “đạo văn, đạo ý tưởng, công trình, tác phẩm…”, hình thành cơ chế nhận thức trong đạo đức, nghề nghiệp.

Phan Đình Dũng

Share:

Tags: Law, Juggement, lawyer, Cases