VHSO - Ngày 04/12/2024, vào lúc 9h40 giờ Paraguay (19h40’ giờ Việt Nam) hồ sơ “Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam” đã chính thức được UNESCO gõ búa ghi danh vào Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Quyết nghị này được thông qua trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 19 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, diễn ra từ 02/12 đến 07/12/2024 tại Trung tâm hội nghị Conmebol, thủ đô Asunción, Cộng hòa Paraguay.
Bà Nancy Ovelar De Gorostiaga Chủ tịch Ủy ban gõ búa công nhận “Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam” là di sản văn hóa phi vật thể.
Bà Chúa Xứ núi Sam là vị thánh Mẫu linh thiêng luôn che chở, phù trợ cho dân chúng, mang cho họ sức khỏe, may mắn, bình an và tài lộc. Xứ ở đây là xứ sở, một vùng lớn (quan niệm về địa danh từ xa xưa có liên quan đến tín ngưỡng thờ nữ thần). Vì thế, tục lễ Bà, tham gia lễ hội thỏa mãn được niềm tin và sự mong cầu của không chỉ cộng đồng các dân tộc Khmer, Chăm, Hoa Việt ở Châu Đốc, An Giang mà còn của cư dân vùng Tây Nam Bộ, Việt Nam.Lễ hội tích hợp tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ cùng các nhân vật lịch sử như Thoại Ngọc Hầu, Châu Thị Tế có công xây miếu thờ Bà Chúa Xứ. Khi còn sống, họ là người tài năng, đức độ với dân, khi mất đi, trở thành chỗ dựa tinh thần, phù trợ cho cuộc sống của người dân. Vì thế, lễ hội bảo lưu những giá trị nhân văn sâu sắc về tình người và sự khoan dung, là môi trường giáo dục các thế hệ sau truyền thống đạo đức “uống nước nhớ nguồn”, nhắc nhớ công lao dựng nước và giữ nước của cha ông và đề cao giá trị, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Lễ hội tổng hợp những yếu tố tín ngưỡng, trang phục, ẩm thực, âm nhạc, nghệ thuật, của đa dạng các dân tộc, tạo sự giao lưu văn hóa và gắn kết cộng đồng người Việt, Chăm, Khmer, Hoa,..Tất cả mọi người đều có thể tham dự Lễ hội, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, địa vị xã hội. Tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ đã hòa quyện với tín ngưỡng thờ nữ thần của các dân tộc khác trong vùng nên có thể thấy hội tụ ở Bà Chúa Xứ núi Sam bóng dáng hình tượng Thánh Mẫu của người Việt, Nữ thần Ponargar của người Chăm, Nữ thần Neang Khmau (Bà Đen) của người Khmer và Bà Thiên Hậu của người Hoa. Vì thế mà lễ hội có sự tham gia bình đẳng, hài hòa của 4 dân tộc Việt, Chăm, Khmer, Hoa trong các thực hành nghi lễ và diễn xướng nghệ thuật. Lễ hội được cộng đồng 4 dân tộc tổ chức để tạ ơn Mẹ xứ sở ban cho may mắn, sức khỏe, mưa thuận gió hòa, điều tiết mùa màng trong năm cho vạn vật sinh sôi nảy nở, thuận theo tự nhiên, hướng tới sự an lành, phát triển bền vững. Vì vậy mà thực hành Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam phù hợp với các văn kiện quốc tế về quyền con người, đảm bảo yêu cầu về sự tôn trọng lẫn nhau giữa các cộng đồng, nhóm người và cá nhân, tạo nên sự hài hòa, khoan dung làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam ở trong, ngoài nước và các dân tộc khác trên thế giới. Việc ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam sẽ giúp các thành viên cộng đồng nhận thức không chỉ về tầm quan trọng của Lễ hội mà cả việc thực hành tín ngưỡng hằng ngày cùng các di sản văn hóa phi vật thể khác của các tộc người Việt, Chăm, Khmer, Hoa, như ẩm thực, dệt, đan lát, nghệ thuật trình diễn. Cộng đồng sẽ có thêm trách nhiệm cũng như động lực trao truyền di sản từ thế hệ này sang thế hệ khác và không ngừng tái tạo trong đời sống xã hội đương đại. Sự ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam góp phần khơi dậy lòng tự hào của cộng đồng, thúc đẩy các thế hệ trẻ quan tâm hơn đến di sản, góp phần bảo vệ sức sống, giá trị sáng tạo của các di sản văn hóa phi vật thể nói chung của các dân tộc khu vực châu thổ sông Cửu Long.
Đồng chí Lê Hồng Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang và Đồng chí Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam phát biểu sau khi được UNESCO ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hiện nay, Việt Nam có 15 di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại (13 di sản) vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp (02 di sản). Các di sản phân bố ở 61/63 tỉnh, thành phố thuộc các dân tộc khác nhau, trong đó di sản tập trung nhiều nhất ở miền Bắc (10 di sản), tiếp đến là miền Trung (03 di sản) và Tây Nguyên (01 di sản). Miền Nam mới có 01 di sản được ghi danh là Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ, thuộc loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian. Hiện nay, ở khu vực Nam bộ chưa có di sản của dân tộc thiểu số nào được ghi danh. Di sản Lễ Vía Bà Chúa Xứ núi Sam thuộc các loại hình Lễ hội truyền thống, Tập quán xã hội và tín ngưỡng, Tri thức dân gian của đồng bào các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm. Đây là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại thứ 16 của Việt Nam được Unesco ghi danh, là di sản đầu tiên của Việt Nam có chủ thể là các dân tộc đa số và thiểu số (Kính, Hoa, Khmer, Chăm) và cũng là di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên ở Nam Bộ thuộc 1 địa phương cụ thể đó là tỉnh An Giang. Sự ghi danh này cũng góp phần tạo ra sự cân đối về di sản tín ngưỡng được ghi danh ở các vùng miền (Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ ở Nam Định, mà hiện đang thực hành chủ yếu ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam), sự cân đối về các tộc người là chủ thể thực hành di sản (hiện đã có di sản của các dân tộc thiểu số ở phía Bắc và miền Trung được ghi danh như Nghệ thuật Xòe Thái, Then Tày, Nùng, Thái, Không gian văn hóa cồng chiêng của các dân tộc ở Tây Nguyên và Nghề làm gốm của người Chăm) và cân đối về sự phân bố di sản được UNESCO ghi danh trên cả nước. Việc ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam sẽ làm tăng thêm nhận thức về tầm quan trọng của di sản trong việc gắn kết các cá nhân và cộng đồng các dân tộc Việt Chăm, Khmer, Hoa khu vực châu thổ sông Cửu Long nói riêng và Việt Nam nói chung. Sự ghi danh sẽ nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc chung tay tổ chức, quản lý, thực hành và bảo vệ, gìn giữ di sản chung.
Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự kỳ họp lần thứ 19 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.
Tín ngưỡng thờ Mẫu tồn tại lâu đời ở Việt Nam dưới nhiều dạng thức khác nhau, trong đó, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam và tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ ở Nam Bộ là sự kế thừa, tiếp thu, tích hợp và sáng tạo của cư dân Việt trong quá trình khẩn hoang và là sự tổng hòa của tín ngưỡng thờ Mẫu của các dân tộc Việt, Chăm, Khmer và Hoa. Do vậy, việc ghi danh sẽ góp phần cố kết cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam; nâng cao sự tôn trọng văn hóa trong việc thể hiện niềm khát vọng chung của con người về một cuộc sống mạnh khỏe, sung túc và an lành. Sự ghi danh cũng cho thấy những sáng tạo thực hành văn hóa tâm linh của các dân tộc được đề cao, được tôn trọng, góp phần nhận diện sự tương đồng về văn hóa giữa các dân tộc, nâng cao sự tôn trọng đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của nhân loại.
Đoàn đại biểu Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh tham dự kỳ họp lần thứ 19 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.
Việc UNESCO ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc cùng tổ chức, quản lý và gìn giữ di sản chung, gắn kết cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam; từ đó, nâng cao sự tôn trọng văn hóa trong việc thể hiện niềm khát vọng chung về cuộc sống an lành, mưa thuận gió hòa, nhân khang, vật thịnh. Việc ghi danh này của UNESCO cũng góp phần chia sẻ hình thức thực hành Lễ hội, khẳng định vai trò của các nghi lễ mang tính chất dung hợp văn hóa các cộng đồng nên phản ánh sự đa dạng văn hóa. Lễ hội được UNESCO ghi danh sẽ thúc đẩy sự hiểu biết, đối thoại giữa cộng đồng các dân tộc có tín ngưỡng thờ Nữ thần ở Việt Nam, tại khu vực Đông Nam Á và trên thế giới, đề cao những sáng tạo văn hóa tâm linh của các dân tộc và góp phần nhận diện sự tương đồng về văn hóa giữa các dân tộc.
Đại biểu các nước đến chúc mừng đoàn đại biểu Việt Nam.
Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh là đơn vị tư vấn, lập hồ sơ từ năm 2021, đệ trình Unesco ghi danh. Trong đợt xét duyệt hồ sơ lần này, Ủy ban Liên Chính phủ đã ghi nhận Việt Nam chuẩn bị rất tốt hồ sơ Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam, cũng như các hồ sơ của Việt Nam từ trước tới nay, đồng thời, đánh giá cao những kinh nghiệm và đóng góp của Việt Nam cho Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt trong nhiệm kỳ 2022 - 2026. Thay mặt cho Chính phủ Việt Nam và cộng đồng thực hành di sản Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Nguyễn Minh Vũ và Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang đã phát biểu cảm ơn Ban Tư vấn, các thành viên của Ủy ban Liên Chính phủ, Ban Thư ký Công ước 2003 đã làm việc tận tình, công tâm để ghi danh di sản này của Việt Nam và cam kết thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ các giá trị của Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam./.
BBT Website Trường Đại học Văn hóa TP. HCM
(Bài viết sử dụng thông tin và hình ảnh của Đoàn công tác Trường đang tham dự kỳ họp tại Paraguay)