VHSO - Ngày 19/9, tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (97A Phó Đức Chính, Phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) đã diễn ra Tọa đàm “Công tác sưu tầm hiện vật của các Bảo tàng Mỹ thuật tại Việt Nam - Những vấn đề đặt ra trong bối cảnh hiện nay”.

Toàn cảnh Tọa đàm “Công tác sưu tầm hiện vật của các Bảo tàng Mỹ thuật tại Việt Nam - Những vấn đề đặt ra trong bối cảnh hiện nay”. Ảnh: VNFAM.

Tham dự tọa đàm có các chuyên gia đến từ các bảo tàng: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Huế, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, các bảo tàng công lập và ngoài công lập trong cả nước; Lãnh đạo Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh; Đại diện lãnh đạo Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh; cùng đông đảo họa sĩ, kiến trúc sư, các chuyên gia và những người làm nghề trong giới mỹ thuật.

Các chuyên gia thảo luận tại Tọa đàm. Ảnh: VNFAM.

Theo chia sẻ của Ban Tổ chức, Tọa đàm “Công tác sưu tầm hiện vật của các Bảo tàng Mỹ thuật tại Việt Nam - Những vấn đề đặt ra trong bối cảnh hiện nay” là hoạt động thuộc chương trình ký kết liên tịch giữa các bảo tàng Mỹ thuật công lập trong cả nước về việc luân phiên hằng năm tổ chức giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ bảo tàng. Tọa đàm lần này là một hoạt động nghiên cứu khoa học cần thiết nhằm chia sẻ phương pháp, kinh nghiệm, bài học mới về công tác sưu tầm hiện vật có giá trị văn hóa - nghệ thuật trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại. Trên cơ sở đó, góp phần định hướng và hỗ trợ các bảo tàng, xây dựng chiến lược và kế hoạch nâng cao chất lượng công tác sưu tầm hiện vật, để cùng hướng tới mục tiêu chung là xây dựng bảo tàng ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, thu hút đông đảo công chúng đến tham quan.

PGS.TS Lâm Nhân, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại tọa đàm.Ảnh: Thùy Trang.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận những vấn đề mang tính lý luận chung về công tác sưu tầm hiện vật trong giai đoạn hiện nay; công tác sưu tầm hiện vật - những khó khăn, thành quả, thách thức hiện tại và định hướng mới cho những chặng đường tiếp theo. Vấn đề về “tính cạnh tranh” trong việc sưu tầm các tác phẩm mỹ thuật hiện đại của Việt Nam giữa các Bảo tàng Mỹ thuật công lập với các tổ chức, cá nhân nước ngoài, hay sự góp mặt của các bảo tàng nghệ thuật tư nhân… cũng được quan tâm trao đổi. Ngoài ra, các chuyên gia cũng chia sẻ kinh nghiệm xã hội hóa hoạt động sưu tầm hiện vật của các Bảo tàng Mỹ thuật ở Việt Nam; quan điểm của các Bảo tàng Mỹ thuật về việc sưu tầm các sáng tác mỹ thuật như nghệ thuật sắp đặt, video Art và các hình thức nghệ thuật hiện đại khác…

PGS.TS Lâm Nhân, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh (thứ 2, từ phải sang) trong đợt tiếp nhận 18 tác phẩm nghệ thuật của cố họa sĩ Lê Bá Đảng cho Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (ngày 23/8/2023).

Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh là một cơ sở đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực di sản văn hóa, bảo tàng học và quản lý văn hóa về di sản văn hóa từ rất sớm (năm 1977) với các chuyên ngành: Bảo tồn Bảo tàng và Bảo quản hiện vật bảo tàng; Quản lý Di sản văn hóa. PGS.TS Lâm Nhân, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là một chuyên gia về bảo tàng. Trong những năm gần đây, PGS.TS Lâm Nhân đã kết nối với ông bà Lê Tất Luyện - Thụy Khuê ở Pháp để được các nhà sưu tầm này tặng hàng trăm hiện vật, tài liệu, tác phẩm mỹ thuật, dụng cụ chế tác… có giá trị cao của họa sĩ Lê Bá Đảng cho Nhà nước Việt Nam thông qua Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh và Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng trong thời gian qua; các tác phẩm của họa sĩ Lê Thị Lựu cho Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

Giảng viên và sinh viên Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh thưởng lãm những tác phẩm nghệ thuật của danh họa Lê Bá Đảng tại Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh.

Chia sẻ tại diễn đàn này, PGS.TS. Lâm Nhân, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Tôi đã có dịp gặp gỡ một số nhà sưu tầm tranh Đông Dương, hiện đang ở Pháp, họ rất sẵn sàng hiến tặng những bức tranh quý cho Nhà nước Việt Nam. Trước đây chúng ta còn nhớ câu chuyện về danh họa Lê Phổ có hứa tặng 26 bức tranh cho Nhà nước Việt Nam (đến nay băng ghi âm vẫn còn), thế nhưng mình không có thời gian để đi tìm ông… Cho nên cần có cơ chế cho những người đi tìm các tác giả hoặc nhà sưu tầm. Do đó tôi cho rằng, nên tăng cường công tác ngoại giao văn hóa để tranh thủ sự hiến tặng. Theo tôi được biết, có rất nhiều hiện vật quý của Việt Nam hiện đang trong tay các nhà sưu tầm ở nước ngoài, mà gần như chúng ta không thể mua được. Vậy nên thực hiện cơ chế ngoại giao để tìm những người có lòng yêu nước, hướng về dân tộc để mình vận động họ hiến tặng. Khi được tặng rồi thì chúng ta cần trân trọng hiện vật, làm tốt công tác bảo quản và phát huy, giữ được uy tín thì chắc chắn sẽ được hiến tặng nhiều hơn”./.

Hoàng Hải

BBT Website Trường Đại học Văn hóa TP.HCM

Share:

Tags: Law, Juggement, lawyer, Cases