VHSO - Ngày 17/7/2020, tại Quyết định số 2018/QĐ-BVHTTDL, Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh (VHS) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao nhiệm vụ biên soạn Bộ học liệu Tổng tập Văn hóa dân gian Nam Bộ. Sau hơn 02 năm triển khai thực hiện, sáng ngày 25/03/2022, VHS đã chính thức công bố công trình này để giới thiệu đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; viên chức, người lao động Nhà trường và các đơn vị ngoài trường.

Một góc Lễ công bố công trình nghiên cứu sáng ngày 25/3.

      Chất lượng giảng dạy của một cơ sở giáo dục, đào tạo luôn phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống giáo trình, tài liệu được đưa vào sử dụng trong quá trình đào tạo. Do đó, công tác biên soạn giáo trình, tài liệu luôn được VHS quan tâm và giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Việc biên soạn, xuất bản được các giáo trình, tài liệu đảm bảo tính khoa học sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên và quảng bá, khẳng định thương hiệu của nhà trường trong suốt nhiều năm qua...

TS. Lê Thị Thanh Thủy, Phó hiệu trưởng nhà trường tuyên bố lý do buổi lễ.

      Bộ học liệu Tổng tập Văn hóa dân gian Nam Bộ là công trình nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn công phu về Câu đố, Vè; Truyện kể dân gian; Truyện cười, truyện trạng; Ca dao, tục ngữ; Dân ca; Đờn ca tài tử; Nhạc lễ; Lễ hội truyền thống; Tín ngưỡng, phong tục, tập quán; Kiến trúc dân gian; Trang phục, ẩm thực; Làng nghề truyền thống; Trí thức dân gian mang đậm nét đặc trưng Nam bộ. Bộ học liệu là nguồn học liệu quý báu phục vụ cho nghiên cứu, giảng dạy, học tập trong các trường học.

GS.TS. Nguyễn Chí Bền, Trưởng ban nội dung của Tổng tập, báo cáo quá trình biên soạn Bộ học liệu Tổng tập Văn hóa Dân gian Nam Bộ tại lễ công bố.

      GS.TS. Nguyễn Chí Bền - Tổng chủ biên Bộ học liệu Tổng tập văn hóa dân gian Nam Bộ cho biết: Bộ học liệu Tổng tập Văn hóa dân gian Nam Bộ gồm 14 tập với hơn 20.000 trang về 14 thành tố của văn hóa dân gian Nam Bộ đã hoàn chỉnh cả về tập hợp tư liệu, nghiên cứu, đánh giá và biên soạn, tạo điều kiện cho sinh viên, học viên và  nghiên cứu sinh, giảng viên, các nhà nghiên cứu sử dụng thuận lợi. Đây là lần đầu tiên, ngành Văn hóa, Thể thao & Du lịch có bộ học liệu Tổng tập văn hóa dân gian Nam Bộ chi tiết, đầy đủ và khoa học; góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa dân gian, văn hóa truyền thống Nam Bộ, góp phần thực hiện Nghị quyết lần thứ 5 của BCHTW khóa VIII, Nghị quyết hội nghị lần thứ 9 của BCHTW khóa XI về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Tạo cho công tác truyền dạy, bảo tồn văn hóa truyền thống trong và ngoài nhà trường có tư liệu một cách hệ thống, khoa học.

PGS.TS. Trần Văn Ánh, Nguyên hiệu trưởng VHS phát biểu tại Lễ công bố công trình Lịch sử Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh (1976-2022).

      Dịp này, VHS cũng đã chính thức công bố công trình Lịch sử Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh (1976-2022), việc biên soạn tài liệu nhằm chuẩn bị cho việc chào mừng kỷ niệm 50 năm thành lập Trường vào năm 2025. Quá trình hình thành phát triển của VHS trong hơn 45 năm qua, là cả một giai đoạn lịch sử phấn đấu không biết mệt mỏi, vượt qua nhiều khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua của nhiều thế hệ lãnh đạo, cán bộ quản lý, công chức, viên chức, giảng viên và cả học sinh, sinh viên nhà trường. Do đó, việc phải lưu giữ lại quá trình lịch sử này là điều rất quan trọng. Bởi lịch sử là quá khứ, nhưng quá khứ là một hợp phần tất yếu của hiện tại; không có quá khứ thì cũng không có tương lai. Không biết gì về lịch sử nói chung, về lịch sử ngành nghề, lĩnh vực mình đảm trách nói riêng, người ta sẽ không hình thành được thái độ trân trọng, tình cảm biết ơn và những việc làm tri ân đối với các bậc tiền bối. Thông qua lịch sử sẽ truyền cảm, thôi thúc các thế hệ hậu sinh phấn đấu vươn lên sao cho xứng đáng với sự mong đợi, kỳ vọng của các thế hệ thầy trò đã góp phần xây dựng Nhà trường như hiện nay./.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH GHI NHẬN TẠI BUỔI LỄ

Đông đảo đại biểu khách mời tham dự Lễ công bố Bộ học liệu Tổng tập Văn hóa dân gian Nam Bộ và công trình Lịch sử Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh (1976-2022).

GS.TS. Từ Thị Loan, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, đại diện các chủ biên biên soạn 14 tập của Bộ học liệu Tổng tập Văn hóa dân gian Nam Bộ phát biểu.

PGS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Trường Đại học Sài Gòn, Chủ biên tập 6 và 7 phát biểu cảm xúc khi công trình được công bố.

PGS.TS. Đỗ Ngọc Anh, Nguyên hiệu trưởng VHS phát biểu cảm xúc khi VHS công bố các công trình nghiên cứu.

Thầy Nguyễn Thành Chinh, Nguyên phó hiệu trưởng VHS phát biểu tại lễ công bố.

PGS.TS. Nguyễn Xuân Hồng, Nguyên phó hiệu trưởng VHS phát biểu tại lễ công bố.

Đại biểu khách mời chụp ảnh lưu niệm cùng tập thể tác giả các công trình nghiên cứu được công bố.

Tin và ảnh: Hoàng Hải

BBT Website Trường Đại học Văn hóa TP.HCM

 

Share:

Tags: Law, Juggement, lawyer, Cases