Xin gửi đến bạn đọc bài viết mang tính chia sẻ của anh Trương Thuận Lợi, sinh viên khóa 2009-2013 của khoa Văn hóa học. Từ khi ra trường đến nay, anh đã trải qua nhiều công việc khác nhau, ở nhiều vị trí khác nhau và Văn hóa học gắn với anh như một “định mệnh”. Hiện anh là giảng viên của ngành Đông phương học (Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai). Không tự nhận mình là “nhà báo” hay “nhà giáo” (Tiêu đề bài viết này do Ban biên tập đặt) nhưng những gì anh làm được thật đáng trân trọng- thêm một trái ngọt được chăm sóc, vun trồng từ khoa Văn hóa học, Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh!
Mối lương duyên với Văn hóa học
Tôi đến với Văn hóa học như một sự sắp đặt của ơn trên và tôi trở lại với Văn hóa học cũng như định mệnh của mình.
Khi còn nhỏ, có lẽ cũng như nhiều đứa trẻ khác, tôi được gợi ý nên có ước mơ trở thành bác sĩ, luật sư, giám đốc… Cũng có nhiều lần thay đổi với ước muốn ở những nghề khác nhau nhưng đến khi tốt nghiệp trung học phổ thông, tôi quyết định thi ngành Luật. Khi đó, kỳ thi đại học được tổ chức tập trung và xét nguyện vọng lần lượt (tức là rớt nguyện vọng 1 thí sinh mới được tiếp tục gửi hồ sơ vào trường khác xét nguyện vọng 2). Tôi thiếu 1 điểm để đậu ngành Luật và Văn hóa học - một ngành học rất mới mẽ khi đó là lựa chọn cho nguyện vọng 2 của tôi.
Là đứa trẻ tò mò, vốn dĩ từ nhỏ tôi cũng đã thích tìm hiểu và khám phá mọi mặt của cuộc sống. Tôi vẫn còn nhớ khi còn nhỏ thường ôm tivi cả ngày để xem các chương trình khoa học, từ tự nhiên đến xã hội và nhân văn. Các nền văn hóa xa lạ cũng là một trong những vấn đề tôi quan tâm từ nhỏ (có lúc tôi còn muốn trở thành một nhà Ai Cập học nữa). Vì vậy, tôi nghĩ sự tình cờ tôi đến với Văn hóa học phải chăng thực ra cũng đã là sự chuẩn bị từ trước của ơn trên?
Từ nhà báo…
Tôi tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi nên cũng có ý định xin việc với vị trí giảng viên ở một trường đại học nào đó. Có lẽ cái duyên với nghề chưa đến với tôi nên khi đó cả hai trường tôi xin việc đều từ chối. Sau này tìm hiểu tôi mới biết cũng có một số tiêu cực phía sau. Thế là để kiếm sống, tôi làm đủ nghề, nhân viên tư vấn phần mềm rồi nhân viên bán hàng cho đến khi xin được một công việc cũng tương đối phù hợp với chuyên môn mình được đào tạo - phóng viên. Vì được đào tạo chuyên sâu về văn hóa nên trong suốt những năm làm báo tỉnh, tôi được phân công viết mảng văn hóa - xã hội. Nhờ vào kiến thức chuyên ngành của mình mà khi viết tôi thường lý giải các hiện tượng, các biểu tượng văn hóa ở góc nhìn khác với các phóng viên khác. Làm báo cũng khá thú vị, năng lực của tôi cũng được đánh giá qua nhiều giải thưởng báo chí tỉnh hàng năm (tuy chưa bao giờ đạt giải nhất nhưng ngoại trừ năm đầu tiên vào nghề, năm nào tôi cũng có giải từ khuyến khích đến giải nhì). Tuy nhiên, tôi cứ mãi canh cánh trong lòng rằng viết báo không phải công việc cả đời của mình.
Dấu mốc để tôi quyết định chuyển đổi ngành nghề đó là lần tôi xin về làm phóng viên ở văn phòng đại diện của một cơ quan báo chí trung ương đặt tại TP. Cần Thơ. Qua hai vòng tuyển dụng gắt gao, tôi cũng được lựa chọn nhưng khi làm báo trung ương tôi mới hình dung hết được rằng thật ra tính cách của mình không hợp với nghề báo. Vì suy cho cùng để khai thác thông tin tốt, nhà báo đòi hỏi phải là người quảng giao, hướng ngoại trong khi tôi lại thuộc type người hướng nội.
Thế là tôi quyết định nghỉ việc và cùng một vài người bạn lập một công ty du lịch. Công việc không được suôn sẻ do có nhiều bất đồng với những người đồng sáng lập, vì vậy tôi quyết định bỏ mặc công ty và đi học trở lại. Những ngày tết âm lịch, tôi vừa bàn bạc với vợ và quyết định đi học lại thì sau tết tôi ôn gấp tiếng Trung trong 1,5 tháng và thi HSK (chứng chỉ tiếng Trung Quốc) để đảm bảo đầu vào cao học ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh. Cũng có người hỏi tôi sao không tiếp tục học ở Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh. Lý do vì các thầy cô của Khoa Văn hóa học (Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh) đã quá thân thiết với tôi nên tôi muốn tìm một môi trường mới để thử sức mình. Và rồi thì mọi thứ cứ tiếp diễn như những sự đẩy đưa liên tục. Lúc tôi vừa trở lại Sài Gòn cũng là lúc một trường cao đẳng nọ đang tuyển dụng nhân viên tuyển sinh, thế là tôi xin việc và được nhận vào làm ngay ngày thứ hai trở lại Sài Gòn. Tôi vừa làm vừa ôn thi đầu vào cao học vừa chờ kết quả HSK. Vừa có kết quả đậu HSK (công bố trên website của Viện Khổng Tử) chưa kịp có chứng chỉ thì đã đến lúc phải nộp hồ sơ thi cao học. Thế là tôi phải xin giấy xác nhận điểm của Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh (địa điểm tổ chức thi HSK) để kịp hoàn thiện hồ sơ. Mọi thứ cứ tiếp diễn và trôi chảy như vậy.
Ngay cả việc tôi được một vị giáo sư khả kính nhận để hướng dẫn luận văn cao học cũng là một việc hết sức lạ thường. Vì thầy tôi là giáo sư ngành Nhân học chứ không phải Văn hóa học, và thầy cũng ở tận đất nước Canada xa xôi. Tôi có cơ may thọ giáo thầy trong một hoàn cảnh cũng hết sức đặc biệt. Số là thầy về Việt Nam để hướng dẫn chuyên đề cho học viên cao học và nghiên cứu sinh ngành Nhân học, học viên cao học Văn hóa học chúng tôi được đăng ký “học ké”. Đăng ký xong lại ngay lúc dịch Covid hoành hành, cứ tưởng các chuyên đề của thầy phải tạm ngưng nhưng không, vì thầy đã lên lịch và bay về Việt Nam nên lớp vẫn được tổ chức. Gặp thầy là một trong những hạnh ngộ lớn với cuộc đời của tôi. Thầy bị thuyết phục bởi một ông học viên cao học khác ngành với những câu hỏi hóc búa mà thầy đánh giá là những câu hỏi hết sức thông minh. Tôi cũng bị thuyết phục bởi sự nhiệt tình và khiêm nhường ở thầy dù thầy là một nhà khoa học lớn.
Đến nhà giáo
Cuộc đời phải chăng là những chuỗi ngày liên tiến để rồi sẽ đưa ta đến nơi ta thật sự thuộc về? Nghề báo cũng rất tốt nhưng có lẽ nó không thuộc về tôi. Tôi cũng chẳng biết học thuật có phải là con đường mà tôi có thể đi đến cuối cuộc đời không, nhưng cho đến thời điểm này, mọi thứ cứ tiếp tục trôi chảy như một định mệnh. Đợt dịch Covid trước, tôi cũng xin nghỉ việc ở trường cao đẳng và về quê chăm sóc cho vợ ở thời kỳ hậu sản. Trở lại Sài Gòn không bao lâu, tôi trải qua hai vòng phỏng vấn và hiện nay đang là giảng viên cho ngành Đông phương học (Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai). Phải chăng đây là đích mà theo đúng tôi đã phải đến vào 7 năm trước? Tôi chẳng biết, nhưng với tôi việc trở thành giảng viên chỉ là sự khởi đầu - sự khởi đầu của một hành trình mới và khá xa lạ với tôi.
Tuổi ta năm nay tôi cũng đã ngoài ba mươi, nghĩa là cũng đã ở vào tuổi “tam thập nhi lập” (Khổng Tử), nhìn lại cuộc đời, tôi thực sự tri ân tất cả những người đã, đang và sẽ đi qua cuộc đời mình, tri ân tất cả những người thầy, người cô đã dạy bảo mình từ tuổi mầm non đến nay. Và dĩ nhiên, không thể không nhắc đến những người thầy, người cô đã gắn bó, đồng hành và chia sẻ với tôi trong những năm tháng đại học. Với tôi, Khoa Văn hóa học (Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh) không chỉ là nơi để học hành mà còn là ngôi nhà của mình, nơi đã dìu dắt tôi đi trên những bước chập chững vào con đường học thuật.
Thuận Lợi
Sài Gòn, 26/8/2020