VHSO - Giỗ Tổ ngành sân khấu hàng năm được xem là một hoạt động tâm linh quan trọng của những người làm nghệ thuật, với mục đích tưởng nhớ và bày tỏ lòng thành kính, tri ân các bậc tiền nhân đã sáng tạo nên loại hình nghệ thuật sân khấu…
Lãnh đạo Nhà trường và Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật dâng hương tại Lễ Giỗ Tổ ngành sân khấu sáng 13/9.
Sáng ngày 13/9 (nhằm ngày 11/8 âm lịch), Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh tổ chức Lễ Giỗ Tổ truyền thống ngành sân khấu. Tham dự sự kiện này có đại diện lãnh đạo nhà trường và nhiều thế hệ sinh viên của Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật đã và đang hoạt động trong lĩnh vực sân khấu, nghệ thuật cùng nhau dâng nén hương tưởng nhớ đến Tổ nghiệp.
Nhiều thế hệ sinh viên của Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật cùng nhau thành kính tưởng nhớ Tổ nghiệp trong ngày giỗ Tổ truyền thống ngành sân khấu.
Theo nhà biên kịch Chu Thơm, có rất nhiều giai thoại về ngày giỗ Tổ của ngành sân khấu Việt Nam. Một trong những giai thoại phổ biến nhất là có vị vua hiếm muộn về đường con cái, lúc có tuổi thì sinh hạ được hai vị hoàng tử khôi ngô, tuấn tú sau thời gian dài cầu xin trời Phật. Hai hoàng tử rất mê ca hát, không quan tâm tới việc triều chính. Họ qua đời vào ngày 12/8 âm lịch, trong một lần trốn cha đi xem hát. Linh hồn của họ ở lại sân khấu, độ trì cho người theo nghiệp cầm ca. Ngày họ qua đời được giới nghệ sĩ lấy làm ngày giỗ Tổ nghề.
Sân khấu lớn Hội trường C với sức chứa hơn 500 chỗ ngồi là nơi thường xuyên diễn ra những sự kiện lớn của Trường và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật của thầy và trò Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh.
Hiện nay, trong nghề sân khấu vẫn thường nhắc đến 3 vị tổ nghề sân khấu hay còn gọi là tam vị thánh tổ. Theo truyền dạy của những người trong nghề sân khấu thì tam vị thánh tổ của nghệ thuật sân khấu gồm có: Tiên Sư: khai sáng ra nghề sân khấu; Tổ Sư: Nối tiếp và lưu truyền nghề; Thánh Sư: soạn tuồng.
Nhân sự kiện này, Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật cũng đã tổ chức quyên góp để ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Bắc bị thiệt hại do bão số 3 (bão Yagi) gây ra.
Năm 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký và ban hành Quyết định số 13/QĐ-TTg về Ngày Sân khấu Việt Nam và chính thức lấy ngày 12/8 (âm lịch) hằng năm làm ngày Sân khấu Việt Nam. Đây là hoạt động kỷ niệm nhằm động viên đội ngũ văn nghệ sĩ trong lĩnh vực sân khấu phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của nền sân khấu Việt Nam, phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm sân khấu và hoạt động sân khấu có ý nghĩa để phục vụ công chúng, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần tạo nên đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh, cổ vũ toàn dân, đoàn kết, phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, thu hút sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng và phát triển nền sân khấu Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Sinh viên Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật thành kính tưởng nhớ Tổ nghiệp trong ngày giỗ Tổ truyền thống ngành sân khấu.
Chia sẻ về sự kiện này, TS, NSƯT, Đạo diễn Hoàng Duẩn, Phó Trưởng khoa Quản lý Văn hóa, nghệ thuật Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh cho biết: Việc tổ chức Lễ giỗ Tổ ngành sân khấu ở Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh, một ngôi trường dạy về văn hóa - nghệ thuật, mang ý nghĩa sâu sắc. Đây là hoạt động nhằm tri ân Tổ nghiệp, tri ân các thế hệ tiền nhân đã gầy dựng nên sân khấu của nền văn hóa Việt Nam, tri ân thầy cô, thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn. Chúng tôi mong muốn đây không chỉ là hoạt động tri ân Tổ nghiệp, mà qua đó, còn nhằm giáo dục, trau dồi đạo đức, định hướng nhân cách, lối sống, cách ứng xử cho sinh viên trước khi tốt nghiệp ra trường./.
Hoàng Hải
BBT Website Trường Đại học Văn hóa TP. HCM.