VHSO - Tiếp nối chuỗi Hội thảo giáo dục thường niên do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì tổ chức với mục đích tạo diễn đàn cho các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, học giả trong và ngoài nước, nhà giáo, nhà quản lý chia sẻ, trao đổi, thảo luận về những vấn đề cơ bản trong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Ngày 21/11, tại Nhà Quốc hội đã diễn ra Hội thảo Giáo dục Việt Nam năm 2021 với chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo”, kết nối trực tuyến với nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý giáo dục trong và ngoài nước. Hội thảo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh tham dự hội thảo này có PGS.TS. Trần Hoài Anh - Giảng viên cao cấp khoa Văn hóa học.

Quang cảnh Hội thảo tại điểm cầu trụ sở Quốc hội. Ảnh: Trung tâm Truyền thông Giáo dục - Bộ GD&ĐT.

      Hội thảo Giáo dục Việt Nam năm 2021 với chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo” gồm hai phiên. Ở phiên chung, Hội thảo được nghe các tham luận về thực trạng và định hướng xây dựng văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo; xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; văn hóa trường học trên thế giới và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam; xây dựng văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo; nhận diện các cơ hội và thách thức trong xây dựng văn hóa học đường ở Việt Nam. Phiên thứ hai, là chuyên đề thảo luận về văn hóa học đường từ các mối quan hệ trong – ngoài nhà trường và trên môi trường mạng.

PGS.TS. Trần Hoài Anh, Giảng viên cao cấp khoa Văn hóa học, Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh tham dự trực tuyến Hội thảo Giáo dục Việt Nam năm 2021. Ảnh chụp màn hình.

      Đóng góp tại Hội thảo này, PGS.TS. Trân Hoài Anh mang đến hội thảo với bài tham luận: “Văn hóa học đường nhìn từ phương diện giáo dục tinh thần nhân văn, dân tộc và khai phóng trong xu hướng toàn cầu hóa”. Theo quan điểm của tác giả, nói đến văn hóa học đường, người ta thường nghĩ đến phương diện giáo dục đạo đức, luân lý theo quan niệm truyền thống: “Tiên học lễ, hậu học văn” mà không hoặc ít nghĩ đến những bình diện khác cũng quan trọng không kém đã góp phần làm nên phẩm tính của văn hóa học đường, trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Đó là một nền văn hóa học đường vừa mang những giá trị đạo đức, luân lý của văn hóa truyền thống dân tộc, vừa mang những giá trị nhân văn có tính phổ quát của văn hóa nhân loại cùng ý thức khai phóng của một tinh thần thực tiễn trên cơ sở tiếp thu tri thức hiện đại của thế giới để hình thành những kỹ năng sống có tính khám phá và sáng tạo nhằm đáp ứng yêu cầu của xu hướng toàn cầu hóa cho thế hệ trẻ. Đây là những nội dung cơ bản của tham luận Văn hóa học đường nhìn từ phương diện giáo dục tinh thần: Nhân văn, Dân tộc và Khai phóng trong xu hướng toàn cầu hóa hướng đến, mà PGS.TS. Trần Hoài Anh gửi đến hội thảo.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu bế mạc Hội thảo. Ảnh: Trung tâm Truyền thông Giáo dục - Bộ GD&ĐT.

      Phát biểu bế mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hội thảo buộc phải chuyển từ hình thức tổ chức trực tiếp sang tổ chức kết hợp trực tiếp và trực tuyến, song Hội thảo vẫn nhận được rất nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo… Những ý tưởng, đề xuất, kiến nghị của đại biểu sẽ được Ban nội dung của Hội thảo tổng hợp, chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền làm cơ sở cho xây dựng chiến lược, hoạch định chính sách về giáo dục – đào tạo nói chung, văn hóa học đường nói riêng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục – đào tạo, góp phần phát triển đất nước trong trong giai đoạn mới./.

Hoàng Hải.

BBT Website Trường Đại học Văn hóa TP.HCM.

 

Share:

Tags: Law, Juggement, lawyer, Cases