Trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế, ngành giáo dục đào tạo nước ta đã đầu tư nhiều tiền của, trí tuệ để tìm một hướng đi thích hợp nhằm đưa chất lượng đào tạo ở Việt Nam đạt trình độ ngang tầm khu vực và thế giới. Nhưng, suy cho cùng, cải cách giáo dục chỉ thành công khi chúng ta xây dựng được một nền văn hóa học đường chuẩn mực và lành mạnh, bởi mọi ước mơ, ý tưởng cải cách phải được thực hiện trong một môi trường đào tạo cụ thể, một không gian văn hóa học đường cụ thể.

Văn hóa học đường là một môi trường hoạt động đặc biệt của con người, mang tính xã hội và lịch sử. Tùy theo triết lý giáo dục của từng thời đại hoặc của từng quốc gia mà người ta có thể xây dựng những cấu trúc khác nhau của văn hóa học đường. Ở nước ta hiện nay, với chủ trương cải cách giáo dục theo hướng lấy người học là trung tâm, văn hóa học đường cần được thể hiện theo cấu trúc sau:

Có thể nhận thấy văn hóa học đường bao gồm một tập hợp những mối quan hệ khăng khít, không thể tách rời, giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với tập thể, hoặc cá nhân với thiết chế xã hội...

Nhiều người quan niệm rằng không gian văn hóa học đường được hình thành và thiết lập ở ngay trong lớp học. Nhưng thực tế lại cho thấy: thư viện, câu lạc bộ, giờ học quân sự, thể dục thể thao hoặc thậm chí những giờ nghỉ giải lao cũng là lúc rất cần thiết phải xây dựng một trật tự văn hóa học đường. Như vậy, không gian văn hóa học đường là một môi trường diễn ra quá trình tương tác giữa người thày với học trò hoặc giữa những người học trò với nhau ở một cơ sở đào tạo nào đó nhằm thực hiện quá trình truyền thụ và tiếp thu kiến thức khoa học. Dù muốn hay không, từ lúc vào trường đến khi tốt nghiệp, mỗi sinh viên cũng phải thực hiện nhiều mối quan hệ cơ bản.

1. Quan hệ giữa thày với sinh viên

Đây là mối quan hệ quan trọng nhất trong văn hóa học đường, bởi vì thày giáo là người dạy, người trực tiếp truyền đạt kiến thức cho sinh viên. Thông qua những buổi học, sinh viên sẽ được đón nhận lượng thông tin cần thiết và bổ ích, những phương pháp tư duy khoa học để có thể từng bước đi lên trong quá trình tự học tập, tự nghiên cứu.

Trong quá trình giao lưu, trao đổi trên lớp học, thày giáo không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn truyền đạt về đạo đức, về cách suy nghĩ và ứng xử để các em từng bước trưởng thành. Có thể nhận thấy sự hình thành thế giới quan, nhân sinh quan của người trí thức được định hình rõ nét trong giai đoạn học ở trường đại học. Chỉ sau một vài tháng học tập trong môi trường đại học, các em sinh viên cảm thấy bản thân mình có những bước phát triển vượt bậc cả về khối lượng kiến thức tiếp thu được và cả về cách nhìn nhận, đánh giá các vấn đề trong cuộc sống.

Trên lớp học, thước đo chuẩn xác nhất cho văn hóa học đường chính là những giờ giảng chất lượng cao mà biểu hiện sinh động nhất của mối quan hệ tương tác giữa thày với trò trong trường hợp này là thầy có cảm hứng để trình bày bài giảng một cách khúc triết, mạch lạc và hấp dẫn, còn sinh viên tập trung tư tưởng lắng nghe thày giáo giảng bài, ghi chép bài đầy đủ và có thể hiểu bài ngay trên lớp học.

Một nội dung quan trọng trong chủ trương cải cách giáo dục ở nước ta hiện nay là lấy người học là trung tâm. Như vậy, sinh viên là người chủ động trong quá trình học tập, không ngồi nghe giảng một cách thụ động như trước kia mà phải thay đổi hoàn toàn quan niệm cũng như cách thức học tập. Sinh viên ngày nay, trong môi trường văn hóa học đường hiện đại, phải trở thành chủ thể quyết định chất lượng học tập.

Thày và trò phải cùng nhau xây dựng một không gian văn hóa học đường vừa thân thiện, cởi mở, và nghiêm túc, vui vẻ. Không gian văn hóa học đường đòi hỏi người thày phải luôn luôn giữ đúng chuẩn mực sư phạm từ trang phục đến lời nói, từ dáng điệu đứng đến cử chỉ diễn đạt. Ảnh hưởng của người thày đến các thế hệ sinh viên là vô cùng đậm nét. Đạo đức, chuẩn mực, cốt cách của người thày là nguồn sức sống vô tận truyền bá cho các em sinh viên.

Có thể nói rằng: nghề thày giáo là một nghể được xã hội tôn trọng, đề cao có lẽ vì các thày góp phần quan trọng đào tạo những thế hệ tương lai.

Quan hệ thày trò trên lớp học là mối quan hệ hạt nhân, có tác dụng chi phối các mối quan hệ khác để tạo nên những sắc thái cơ bản của văn hóa học đường. Quan hệ thày trò cũng là mối quan hệ tương hỗ, tác động ảnh hưởng đến nhau theo nhiều chiều cạnh. Thày và trò là hai mặt khác nhau và đều quan trọng để tạo lập và thực hiện văn hóa học đường.

Văn hóa học đường hiện đại ngày nay khác với văn hóa học đường thời phong kiến bởi vì để thiết lập trật tự trong lớp học, để tạo ra văn hóa học đường thời phong kiến thì các thày đồ nho thường sử dụng nhiều hình phạt hà khắc đối với người học: phạt đứng trên bảng, phạt quỳ xuống đất hoặc quỳ trên vỏ quả mít đầy gai, thậm chí dùng thước gỗ lim đánh vào tay, vào đầu người học. Trong một số trường hợp, các thầy đồ nho sử dụng cách giáo dục bằng những lời trì triết, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của sĩ tử. Trên một phương diện nào đó, cách giáo dục cổ xưa đó cũng có tác dụng nhất định để thiết lập kỷ cương, trật tự trên lớp học, nhưng nó đã bộc lộ rất nhiều hạn chế vì như vậy không khí học đường trở nên căng thẳng, học trò sợ thày, kính thày nhưng không dám gần thày và cũng có khi họ còn oán thày vì cách giáo dục cổ hủ, lạc hậu, gây ức chế tâm lý cho cả người học và người dạy.

 Ngược lại, văn hóa học đường hiện đại đòi hỏi thày và trò phải có quan hệ gần gũi, thân thiện, cởi mở và được tôn trọng. Tính văn hóa và nhân văn được đề cao trong mối quan hệ thày - trò. Ngày nay, để đạt được mục tiêu đào tạo có chất lượng cao trong một không gian văn hóa học đường hiện đại, đòi hỏi cả thày và trò đều phải tự thay đổi và vươn lên cho phù hợp với thời đại. Hình ảnh một người thày nghiêm túc, chuẩn mực thôi vẫn chưa đủ, mà bên cạnh đó đòi hỏi bài giảng của thày phải luôn luôn đổi mới cả về phương pháp và nội dung, phải phù hợp với những yêu cầu của thực tiễn đặt ra. Có như vây, người học mới thấy hấp dẫn, gần gũi, thiết thực dễ tiếp thu. Những giờ giảng theo cách hàn lâm, triết trung, lý luận dài dòng, phi thực tế dễ làm người nghe mệt mỏi, chán nản và kém hứng thú.

Mặc khác, cách ứng xử của thày với trò phải nghiêm túc nhưng vẫn gần gũi, chuẩn mực nhưng vẫn độ lượng, bao dung, như vậy sẽ tạo ra niềm tin yêu, sự say mê và hứng khởi cho cả người học và người dạy.

2. Quan hệ giữa gia đình với sinh viên

Thực tế cho thấy: khi học sinh đang học ở trường phổ thông trung học, sự phối hợp giữa gia đình với nhà trường được tiến hành thường xuyên hơn. Hàng tháng, hàng quý nhà trường dùng sổ liên lạc để thông báo cho gia đình các em học sinh về tình hình học tập và quá trình tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của các em, hoặc tổ chức những buổi nhà trường họp với phụ huynh học sinh để thông tin, trao đổi những vấn đề cần thiết xảy ra trong sinh hoạt, học tập của các em ở nơi học đường. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ đó mà các em học sinh phổ thông được quan tâm nhiều hơn và các em cũng ít mắc phải khuyết điểm hơn. Sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình với nhà trường có tác dụng động viên, khuyến khích các em rất nhiều.

Nhưng từ khi bước vào ngưỡng cửa trường đại học, dường như các em bước sang một thế giới mới. Tuy chỉ cách nhau một năm thôi, nhưng các em đã trở thành sinh viên, đứng trong hàng ngũ của những người trí thức trẻ. Đa số sinh viên ý thức được trách nhiệm và vinh dự của người sinh viên và cố gắng phấn đấu để nhanh chóng thích ứng với môi trường học tập mới. Các em tự giác, tự trọng cao và tự ghép mình vào tổ chức ở trường đại học. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số em chưa sẵn sàng, chưa bắt nhịp ngay được với môi trường mới, nên trong điều kiện sống xa gia đình, thiếu vắng sự chăm sóc, kiểm tra, đôn đốc của phụ huynh mà lực học trở nên sa sút, ý thức kỷ luật lỏng lẻo vì các em ham thích chơi bời, đàn đúm cùng bạn bè, hoặc mải mê làm ăn, kiếm tiền nơi thành thị.

Chuyển tiếp từ học sinh lên sinh viên, từ nông thôn ra thành phố là một giai đoạn rất quan trọng trong cuộc đời của các em. Nếu gia đình kết hợp chặt chẽ với nhà trường để định hướng cho các em một cách đúng đắn, giúp các em lường trước được mọi thuận lợi, khó khăn ở môi trường đại học, tạo cho các em có thêm niềm tin và hy vọng đúng đắn vào cuộc sống ngày mai thì các em sẽ tránh được những sai lầm, khuyết điểm và tránh được cạm bẫy nơi thị thành để tiếp tục phấn đấu vươn lên.

Việc kết hợp giữa gia đình sinh viên với các thày cô giáo có tác dụng tích cực trên nhiều phương diện: vừa nhắc nhở, phê bình khi các em mắc lỗi, vừa động viên, khen thưởng khi các em có thành tích.

Sinh viên là tầng lớp đã lớn nhưng chưa khôn, chưa có bản lĩnh và kinh nghiệm trong cuộc sống. Thời kỳ học đại học là lúc các em đang tập làm người lớn, đang đứng trước ngưỡng cửa của cuộc đời. Ở giai đoạn này, các em đang tiếp tục được hoàn thiện về tâm lý và sinh lý, đồng thời lại được tiếp thu một lượng kiến thức đại học, do đó các em thường thích thể hiện và khẳng định mình. Tâm lý đó rất là tốt, cần được khuyến khích và tạo điều kiện cho các em có thể giữ gìn, phát huy trên bước đường học tập, nghiên cứu, sáng tạo. Nếu thày cô và phụ huynh không trao đổi thường xuyên qua các hình thức khác nhau thì khó lòng hiểu được tình cảm, tâm lý và tính cách của các em. Như vậy là, có thể chúng ta đã không nhen nhóm được ngọn lửa nhiệt tình say mê khoa học của tuổi trẻ, không tạo ra được những nhân tài cho đất nước.

Gia đình sinh viên và thày cô chủ nhiệm cần phối hợp chặt chẽ để tạo thành điểm tựa vững chắc cho các em sinh viên yên tâm phấn đấu học tập và rèn luyện. Chúng ta cần có thái độ dân chủ, thân thiện cởi mởi và tin tưởng vào các em sinh viên, luôn luôn tôn trọng cá tính cùng những sáng tạo của họ, nhưng cũng rất cần sự tham gia, góp ý, tư vấn kịp thời đẻ các em có thể tránh được những sai lầm đáng tiếc trong nhận thức, ứng xử, sinh hoạt của mình.

Nhiều em sinh viên khi đi học xa gia đình vẫn còn nhận được sự quan tâm nhiều mặt của cha mẹ và người thân ở chốn quê nhà. Nhưng cũng có một số em, do hoàn cảnh gia đình neo đơn, khó khăn mà khi nhập trường đại học cũng là ngày các em bước vào giai đoạn tự lập hoàn toàn. Các em vừa phải học, vừa phải tự bươn trải kiếm sống để có tiền đủ trang trải cho việc học hành. Trong những trường hợp đó, có một số ít các em nhờ ý chí, nghị lực và sự may mắn mà vẫn học tập đạt kết quả khá và kiếm đủ tiền cho cuộc sống của bản thân. Nhưng cũng có nhiều em vì lo toan kiếm sống mà sao lãng việc học hành, thậm chí bị thua lỗ, bì lừa gạt rồi rơi vào tâm lý chán trường, mất đi sự nhiệt tình, phấn đấu học tập.

Nhiều gia đình vì hạn chế trình độ và năng lực kinh tế nên khi con vào trường đại học đồng nghĩa với việc con mình nhập vào một tầng lớp xã hội cao hơn, vượt tầm kiểm soát của cha mẹ. Những gia đình đó đã phó mặc tất cả cho nhà trường và thậm chí khi con em họ mắc phải những khuyết điểm trầm trọng vì nghỉ học quá nhiều, vì phải thi lại nhiều môn, hoặc dính vào tệ nạn xã hội... dẫn đến bị đuổi học thì gia đình mới biết. Những trường hợp như vậy thật là đáng tiếc. Chúng ta cần nhận thức rằng, trong thời kỳ học đại học, các em sinh viên vẫn rất cần đến sự quan tâm, giúp đỡ của phụ huynh, gia đình và bạn bè. Mối quan hệ huyết thống và mối quan hệ với họ hàng, quê hương vẫn là bệ đỡ quan trọng và cần thiết cho các em đi hết quãng đời của mình.

Trong những năm tháng đang trưởng thành ở môi trường đại học, các em có rất nhiều thay đổi về cả thể chất và tinh thần, cả lý trí và tình cảm. Đây là thời kỳ nhạy cảm nhất của cuộc đời vì trong thời gian này các em có nhiều hy vọng nhưng cũng dễ rơi vào bi quan, thất vọng. Nếu thiếu vắng sự định hướng, quan tâm kịp thời của gia đình, có thể các em sẽ từ bỏ con đường đèn sách học hành và rẽ sang một ngả khác. Cha mẹ cần phải nghiêm khắc với con em mình, nhưng đồng thời cũng phải sẵn sàng chia sẻ, động viên, bao dung để các em không cảm thấy cô đơn, nhất là khi gặp phải những khó khăn, thử thách.

Tình cảm gia đình, điểm tựa gia đình đối với sinh viên đại học tưởng chừng như không có liên quan đến chất lượng học tập, đến văn hóa học đường, nhưng thực ra đó là nguồn động lực mạnh mẽ, vô tận với các em sinh viên để các em yên tâm, phấn khởi đèn sách trong bốn năm học.

3. Quan hệ giữa nhà trường với sinh viên

Sinh viên là một thành tố quan trọng để xây dựng nên các trường đại học và tạo lập nên văn hóa học đường. Nếu thiếu vị trí, vai trò của sinh viên thì không thể có trường đại học và văn hóa học đường. Trong quá trình đào tạo, sinh viên là trung tâm, là đối tượng được toàn thể cán bộ, viên chức của trường quan tâm, giúp đỡ. Chính vì vậy, nên các em sinh viên có quan hệ trực tiếp với tất cả các bộ phận trong trường. Có thể nhận ra hai mối quan hệ tương tác cơ bản sau đây: giữa cán bộ quản lý với sinh viên, giữa cán bộ các phòng ban, chức năng với sinh viên

Hệ thống lãnh đạo trực tiếp ở các trường đại học hiện nay gồm có: Đảng uỷ, Ban Giám đốc, Ban Quản lý Đào tạo, và Ban Chủ nhiệm các khoa. Để tạo điều kiện cho thày và trò có những giờ giảng dạy và học tập có chất lượng cao thì hệ thống lãnh đạo của trường phải thường xuyên được kiện toàn, củng cố, hoạt động trên cơ sở những quy chế, quy định của pháp luật mang tính kỷ luật và tính thống nhất cao; nhưng đồng thời cũng phải mang theo tính sáng tạo và năng động, phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể. Tất cả nội quy, quy chế học đường cần được tuyên truyền, phổ biến, quán triệt cho sinh viên khi mới vào trường và thường xuyên lồng ghép vào các nội dung sinh hoạt đảng, đoàn thể để cả thày và trò đều hiểu biết cặn kẽ tiến tới chủ động, tự giác thực hiện.

Rất nhiều quy định nhằm thiết lập văn hóa học đường cần phải được thực hiện thường xuyên, mà nếu thiếu đi những điều đó thì không gian văn hóa học đường bị xâm phạm, ví dụ như: đến lớp phải đúng giờ, ra vào lớp phải xin phép, trong lớp phải trật tự nghe giảng, ghi chép bài đầy đủ, trang phục phải gọn gàng sạch sẽ, không được sử dụng tài liệu khi thi... Có những vấn đề tưởng chừng rất nhỏ như việc sử dụng điện thoại di động hoặc ăn uống trong giờ giải lao, nhưng nếu không được thực hiện và duy trì một cách nghiêm túc, bằng nhiều biện pháp và mức độ khác nhau từ hình thức nhắc nhở đến khiển trách, cảnh cáo hoặc kỷ luật thì hiện tượng đó cứ lặp đi lặp lại sẽ gây ra những hiệu ứng xấu với tâm lý của đa số thày và trò trên lớp, làm mất đi vẻ trang nghiêm cần thiết ở nơi học đường. Việc xây dựng và ban hành một bộ quy chế hoàn chỉnh, phù hợp với điều kiện cụ thể ở các trường đại học là một thành công lớn, nhưng nếu những quy định, quy chế đó không được hiện thực hóa, không được sinh viên tự giác chấp hành, hoặc không được các thày cô giáo và các phòng ban chức năng áp dụng vào sinh hoạt, học tập nơi học đường thì chỉ mang tính hình thức chứ chưa góp phần thiết lập được một không gian văn hóa học đường thực sự.

Nội dung của quy định, quy chế cần phải được nghiên cứu tỉ mỉ sao cho vừa bảo vệ quyền lợi được học hành, nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí của sinh viên, vừa nhắc nhở, cảnh báo và điều chỉnh được hành vi ứng xử của họ sao cho những điều khoản trong quy chế trở nên gần gũi, cần thiết với tất cả sinh viên và từng điều khoản của quy định, quy chế được các bạn sinh viên, học viên các lớp coi như là cẩm nang trong suốt quá trình học tập của mình, tự giác chấp hành và quyết tâm phấn đấu làm theo những tiêu chí đó. Nội dung, nội quy, quy chế đang sử dụng ở các trường hiện nay cần phải được xem xét, điều chỉnh thường xuyên cho sát với tình hình thực tế.

Chúng ta cần hướng tới xây dựng và thực hiện văn hóa học đường vừa theo truyền thống văn hóa Việt Nam, vừa mang tính chất hiện đại giúp cho quan hệ giữa cán bộ, viên chức với sinh viên ngày càng gần gũi, thân thiện. Muốn được như vậy, cần thay đổi cách nhìn, cách nghĩ về quy trình và chất lượng đào tạo, cũng như các hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập.

Sẽ nảy sinh những điều bất cập nếu có những điều trong nội quy, quy chế không được thực hiện một cách nghiêm minh, thống nhất ở nơi học đường vì tâm lý nể nang hoặc vì sự thiếu trách nhiệm của cán bộ, giáo viên. Quy trình ban hành nội quy hiện nay thường thấy ở các trường là áp đặt từ trên xuống (từ cấp bộ hoặc cấp nhà trường hoặc khoa), bắt sinh viên phải thừa nhận, chấp hành. Đó là cách ra văn bản một chiều, chưa mở rộng dân chủ, đành rằng đó là quyền hạn của chúng ta, những người thày đồng thời cũng là những nhà quản lý. Nhưng có lẽ sẽ hiệu quả cao hơn nếu hàng năm mỗi khi sinh viên năm thứ nhất tựu trường, chúng ta đưa ra những định hướng hoặc gợi ý để các em tự bàn luận, quán triệt và nêu lên suy nghĩ của họ, từ đó chúng ta tổng kết, biên soạn, chỉnh lý để bổ sung, hoàn thiện bộ quy chế, như vậy có thể các điều khoản ban hành và sẽ được sinh động, thực tiễn và mang tính xã hội hóa cao hơn.

Văn hóa học đường bao gồm cả những cái trừu tượng và cái cụ thể, cả sự tự nhận thức và sự gương mẫu thực hiện những quy định được ban hành, chính vì lẽ đó kế hoạch tổng thể do nhà trường đề ra cần phải được trở thành hiện thực mà quá trình đó rất cần đến sự cống hiến của các phòng ban chức năng. Văn hóa học đường chỉ trở thành hiện thực nếu thư viện nhà trường luôn luôn tìm cách đáp ứng tốt nhất các nguồn tài liệu, sách báo cho các em tham khảo, nếu phòng hành chính quản trị có kế hoạch từ xa, chuẩn bị cho thày và trò những cơ sở vật chất kỹ thuật cần thiết để lớp học khang trang, sạch sẽ, ấm áp về mùa đông, thoáng mát về mùa hè, hệ thống thiết bị dạy học đồng bộ, hiện đại; nếu phòng quản lý ký túc xá luôn luôn bảo đảm đủ chỗ ở cho các em sinh viên có nhu cầu và xây dựng được một nếp sống văn minh, lịch sự ở khu vực ký túc xá để các em có một cuộc sống ổn định, có bữa ăn, giấc ngủ ngon lành khi phải sống xa gia đình.

4. Quan hệ giữa xã hội với sinh viên

Nhà trường và công việc giáo dục đào tạo luôn chịu sự tác động của môi trường xã hội. Trong quá trình đó, xã hội tác động mạnh mẽ đến cả thày trò và gia đình của mỗi thành viên, nhưng ở đây chúng ta tập trung tìm hiểu sự tác động, ảnh hưởng của môi trường xã hội đến các em sinh viên là chủ yếu.

Chúng ta đang tiến hành đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đây là một hướng đi đúng đắn, vì 25 năm qua đã chứng tỏ nền kinh tế nước ta được hồi phục và phát triển mạnh mẽ, có sức sống sôi động, tạo ra nhiều thời cơ cho các ngành cùng phát triển, trong đó có ngành giáo dục đào tạo. Kinh tế thị trường đã tác động đến ngành giáo dục đào tạo trên nhiều phương diện khác nhau và ở nhiều quy mô khác nhau, nhưng suy cho cùng, những tác động đó đều liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến thày và trò.

Nhờ phát triển kinh tế thị trường mà nhiều ngành nghề mới được hình thành, nhiều trường đại học, cao đẳng được ra đời ở các địa phương, tạo điều kiện cho các thày cô tham gia giảng dạy và các em sinh viên vùng sâu, vùng xa thuận lợi hơn trong quá trình học tập.

Kinh tế thị trường mở đường cho các trường đại học trở nên năng động hơn và được trao quyền tự chủ về kế hoạch, về tài chính và về giảng dạy. Giáo dục đào tạo trở thành một thị trường rộng lớn, có tiềm năng được vận hành và điều tiết vừa theo chính sách, chế độ của nhà nước đề ra, vừa theo quy luật của kinh tế thị trường. Đời sống của thày và trò tăng lên một cách rõ rệt. Nền kinh tế thị trường đã phá vỡ cấu trúc và quan niệm trong quan hệ thày - trò của thời bao cấp. Lao động giảng dạy của thày được nhà nước quy định hưởng theo mức lương cao hơn trước kia, hoặc thù lao thanh toán hoạt động trí óc, khoa học có phần được điều chỉnh giúp cho đời sống của các thày dần dần được cải thiện.

Ngày nay, thày và trò đều có niềm tin vào tương lai của mình vì sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học nếu đạt trình độ khá, giỏi có khả năng và được quyền tự đi xin việc làm đúng với chuyên môn vừa được đào tạo.

Mặt khác, nền kinh tế thị trường cũng tác động đến học đường, đến thày và trò theo những hướng khác nhau. Mặt trái của kinh tế thị trượng cũng làm phát sinh một số tiêu cực trong ngành giáo dục đào tạo. Nhiều hiện tượng quay cóp, gian lận trong học hành, thi cử vẫn chưa bị đẩy lùi. Phương pháp và cách thức đánh giá tài năng sinh viên còn có khi thiếu khách quan, chưa sát thực. Hiện tượng chạy điểm, xin điểm vẫn còn phổ biến, người tài năng thực sự chưa được trọng dụng và đãi ngộ kịp thời, thỏa đáng đã tạo ra sức ỳ và tâm lý ỷ lại vào cha mẹ, làm mất đi ý chí phấn đấu vươn lên của một bộ phận sinh viên. Lối sống xô bồ, quan niệm sống hưởng thụ, sống gấp, đua đòi, chạy theo lợi ích vật chất tầm thường tác động mạnh mẽ vào trường học làm quá trình xây dựng văn hóa học đường gặp nhiều khó khăn.

Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cũng tác động đến văn hóa học đường theo nhiều hướng khác nhau. Trong quá trình này, chúng ta cũng đã có điều kiện tiếp thu được một số mô hình đào tạo của các nước tiên tiến. Chương trình đào tạo của chúng ta ngày càng phong phú hơn. Nhiều môn học, ngành học mới được ra đời, dần dần hướng tới xây dựng một chương trình đào tạo đạt chuẩn khu vực và quốc tế.

Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là thời cơ để thày và trò tiếp nhận thông tin toàn cầu với khoa học công nghệ hiện đại, chi phí thấp. Thông qua cơ sở hạ tầng được củng cố, hệ thống công nghệ điện tử viễn thông hiện đại mà sinh viên được kết nối thông tin, hòa mạng toàn cầu về nội dung đào tạo, chất lượng đào tạo và hình thức đào tạo ở các trường đại học khác nhau để họ tùy ý lựa chọn cho phù hợp.

Một số trung tâm đào tạo trên thế giới bước đầu đã có liên hệ trực tuyến với nước ta để có thể triển khai kế hoạch đào tạo liên thông theo các hệ đại học, thạc sĩ hoặc tiến sĩ, tiếng Anh đã trở nên thông dụng và trở thành cầu nối giữa các nền văn hóa và các trường đại học, giúp cho sinh viên tiếp cận nhanh hơn với mô hình đào tạo và văn hóa học đường của các nước tiên tiến.

Hình thức đào tạo cũng đã bắt đầu có nhiều thay đổi theo hướng đa dạng, sinh động và hiệu quả. Thày và trò sử dụng projector (máy chiếu) trong suốt buổi học, giúp cho sinh viên làm quen với máy móc, thiết bị hiện đại.

Một tác phong làm việc mới đã hình thành, đó chính là tác phong công nghiệp. Sinh viên cảm thấy tiếc thời gian hơn, tập trung hơn và năng động hơn. Cách làm việc và tâm lý tiểu nông, sản xuất nhỏ đã ít xuất hiện ở nơi học đường. Một số sinh viên năng động, cấp tiến đã mạnh dạn tiếp thu cách sử dụng trang phục, kiểu tóc của các diễn viên điện ảnh Hàn Quốc, Nhật Bản tạo ra một không gian văn hóa đa dạng, tươi trẻ và sống động hơn. Sự đa dạng về các loại hình trang phục đã giúp cho sinh viên có quyền lựa chọn những bộ quần áo thời trang mới, phù hợp với tuổi trẻ.

Nhưng chính toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cũng đã tác động mạnh mẽ đến tâm lý sinh viên, đến văn hóa học đường theo hướng thiếu lành mạnh. Một nhóm sinh viên chỉ thích hưởng thụ, luôn luôn chạy theo mốt thời đại trong khi chưa có tiền lương ổn định nên mải mê làm ăn kiếm tiền dẫn đến giảm sút ý chí và kết quả học tập. Lối sống tự do, ích kỷ, nhấn mạnh cái tôi cá nhân, quên đi tính tập thể và tính cố kết cộng đồng làm cho mô hình văn hóa học đường bị rạn nứt.

         Muốn xây dựng thành công văn hóa học đường chúng ta cần giải quyết đồng bộ và hài hòa các mối quan hệ xã hội trong cấu trúc của văn hóa học đường. Nếu xem nhẹ bất cứ một thành tố nào trong hệ cấu trúc đó, văn hóa học đường sẽ không thể thành công bởi vì sự lệch lạc, méo mó của một cấu trúc sẽ phá vỡ trật tự của văn hóa học đường.


 

Nguồn: Tạp chí VHNT số 315, tháng 9-2010

T.L.H

Share:

Tags: Law, Juggement, lawyer, Cases