Chương trình International Young Blood Camp là một hoạt động thường niên của Khoa Khoa học Quản lý nhằm tạo điều kiện cho sinh viên của các trường Đại học trong khu vực có cơ hội giao lưu văn hoá và tham quan các di tích thắng cảnh tại Thái Lan. Chương trình lần này có sự tham dự của 8 trường Đại học: Trường Đạị học Văn hoá Tp.HCM; Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc Gia Tp.HCM (Việt Nam); Đại học Y Khoa và Du lịch – Đại học Quốc Gia Cao Hùng (Đài Loan); Đại học Ming Chuan – Đài Bắc (Đài Loan); Đại học Chungnam (Hàn Quốc); Đại học Kỹ thuật QingDao (Trung Quốc); Đại học Maejo – Chiang mai (Thái Lan) và chủ nhà là Đại học Silpakorn Thái Lan.

Trong 5 ngày tham dự chương trình, sinh viên được phân về các nhóm gồm nhiều trường đại học khác nhau, các em cùng nhau trải nghiệm các hoạt động thú vị của chương trình:

Ngày 1: Dự khai mạc tại Trường Đại học Silpakorn – Trụ sở tại tỉnh Petchburi

Tại buổi khai mạc, đoàn khách mời của các trường nhận đồng phục của chương trình, chụp ảnh lưu niệm và nhận kỷ niệm chương của Trường Silpakorn do thầy Hiệu trưởng– Giáo sư Chaicharn Thavaravej trao tặng.

Ngoài chương trình khai mạc chính, đoàn đại biểu của các trường còn được thưởng thức tiệc Buffet đặc trưng ẩm thực Thái cùng Ban Giám hiệu và tham dự 1 chương trình nghệ thuật đặc sắc do Dàn nhạc giao hưởng của trường biểu diễn. Dàn nhạc giao hưởng của Khoa Âm nhạc Trường Đại học Silpakorn Thái Lan là dàn nhạc nổi tiếng tại Thái Lan, chuyên đi biểu diễn ở trong và ngoài nước.

 

Đoàn GV-SV Trường Đại học Văn hoá Tp.HCM
chụp ảnh lưu niệm trước giờ khai mạc chương trình

 

TS.Nguyễn Thế Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hoá TP.HCM
nhận kỷ niệm chương từ Giáo sư
Chaicharn Thavaravej – Hiệu trưởng Trường
Đại học Silpakorn tại buổi lễ khai mạc

 

Đoàn đại biểu các trường chụp ảnh lưu niệm tại buổi lễ khai mạc

 

Sau khi xem biểu diễn âm nhạc xong, các đoàn di chuyển đến resort Ruan Nakara nghỉ ngơi để bắt đầu cho các hoạt động giao lưu tại đây cho đến khi kết thúc chương trình.

Ngày 2: Trải nghiệm các hoạt động văn hoá – nghệ thuật Thái Lan; khám phá hang động Praya Nakorn và dạo chợ đêm tại Hua Hin

Buổi sáng: Trải nghiệm các hoạt động Văn hoá nghệ thuật Thái Lan: Có 10 hoạt động về văn hoá nghê thuật của Thái để sinh viên trải nghiệm như làm đồ thủ công mỹ nghệ, thực hiện các món ăn truyền thống hay đơn giản là làm đồ chơi bằng các vật liệu tre lá. Các hoạt động đều tạo ra sản phẩm cụ thể nên các em sinh viên rất hào hứng và thích thú. Sau khi thực hiện xong các hoạt động, mỗi sinh viên sẽ được đóng dấu xác nhận và cho điểm từ người hướng dẫn.

 

Buổi chiều: Chinh phục hang động Praya Nakorn và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ngôi đền Kuha Karuhas.

Sau khoảng 2 giờ leo núi với đường đi gập ghềnh, nhiều dốc đá cao, đoàn sinh viên các nước đã chinh phục được hang động Praya Nakorn – đây là hang động đẹp nhất cũng là hang động được chụp ảnh nhiều nhất tại Thái Lan.

Hang động ẩn mình sâu bên trong công viên quốc gia Khao Sam Roi Yot, nằm cách Bangkok khoảng 300km về phía Nam. Hang được đặt tên là Praya Nakorn – tên của người tình cờ tìm ra 200 năm trước khi thuyền của ông bị một trận cuồng phong đẩy vào bờ biển. Điểm cuốn hút chính của hang động là ngôi đình Kuha Karuhas tọa lạc bên trong. Ngôi đình được Vua Chulalongkorn (Rama V) xây dựng vào năm 1890, ngay sau khi ông đến thưởng ngoạn cảnh đẹp trong hang và cảm thấy vô cùng thích thú.

Trên đường đi đến hang động, đoàn sinh viên còn được chiêm ngưỡng bãi biển Laem Sala bình yên.

Đường lên động Praya Nakorn

 

Bãi biển Laem Sala

 

Các thầy cô và sinh viên chụp ảnh lưu niệm tại đình Kuha Karuhas
bên trong động Praya Nakorn

Buổi tối: Các thầy cô và các em sinh viên tự do khám phá chợ đêm tại Hua Hin. Hua Hin là địa danh cách Bangkok khoảng 200 km về phía Nam, cách resort nơi diễn ra các hoạt động giao lưu khoảng 15km. Đây là một trong 5 địa điểm du lịch tại Thái Lan do du khách bình chọn. Hua Hin trước kia chỉ là một làng chài nhỏ xinh xắn, được nhà vua Prajadhipok phát hiện vào năm 1920. Kể từ đó, nơi đây đã trở thành địa điểm nghỉ mát quen thuộc của Hoàng gia Thái lan. Hiện nay, Hua Hin đã nổi tiếng khắp trong ngoài Thái Lan với vẻ đẹp hoang sơ, có bờ biển trắng một màu cát nối dài vô tận, lẫn sự yên bình đến lạ lùng, bởi nơi đây chưa bị bàn tay con người can thiệp nhiều. Ngoài những địa danh du lịch như bãi biển, trang trại của Hoàng Gia, ga xe lửa… thì chợ đêm của Hua Hin là một trong những địa điểm mà ai đến Hua Hin đều không thể bỏ qua. Khu chợ đêm nối dài qua hai con phố, chủ yếu là các nhà hàng hải sản, khu bán đồ thủ công, mỹ nghệ do chính người dân địa phương làm ra. Điều dễ nhận thấy khi dạo khu chợ này là sự xuất hiện rất ít ỏi của hàng hoá Trung Quốc.

 

Các em sinh viên dạo chợ đêm Hua Hin

Ngày 3: Tham quan dự án nông trại hoàng gia Chang Hua Man và chèo thuyền trên sông Phet - đập Kaeng Krachan

Dự án Chang Hua Man Được khởi xướng bởi quốc Vương Bhumibol Adulyadej năm 2010 nhằm để cải thiện đời sống của nông dân ở Phetchaburi và các tỉnh lân cận. Hai điểm nổi bật của dự án là cây trồng không có phân bón hoá học và năng lượng gió. Đến tham quan nông trại Chang Hua Man sinh viên không chỉ được thưởng thức không khí khoáng đãng với nhiều cây trái sum xuê, được tham gia các hoạt động vui chơi giải trí tại trang trại như đi xe đạp mà còn tìm hiểu được cách mà nhà Vua Thái đã dành thời gian và những nỗ lực để cải thiện chất lượng cuộc sống của người nông dân Thái như thế nào.

Sau khi rời nông trại hoàng gia, sinh viên được trải nghiệm đi thuyền trên sông Phet và dừng lại ăn tối tại khu Tanu resort.

Các thầy cô của các trường tại Nông trại Hoàng Gia

Xe điện đưa đoàn đi tham quan nông trại

 

Chèo thuyền trên sông Phet

Ngày 4: Thuyết trình và chương trình giao lưu văn nghệ

Cùng với các hoạt động tham quan, sinh viên còn được giao đề tài để làm việc nhóm. Đề tài về các sản phẩm từ dự án OTOP – One Tumbon One Product.

OTOP tạm dịch là Mỗi làng một sản phẩm - là một chương trình của chính phủ Thái Lan nhằm tận dụng lợi thế của địa phương để phát triển một sản phẩm đặc sản của từng vùng miền. Dự án không chỉ nhằm khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm nội địa mà còn tạo công ăn việc làm cho người dân, thúc đẩy sự phát triển chung của doanh nghiệp trong nước.

Tại chương trình giao lưu, mỗi nhóm được phân cho 1 sản phẩm như đường thốt nốt, dầu dừa, xà phòng… và các nhóm thảo luận và trình bày về ưu điểm và hạn chế của sản phẩm; cách thức marketing cho sản phẩm ở mỗi quốc gia khác nhau. Ban giám khảo là các thầy cô của bộ môn Marketing – Khoa Khoa học Quản lý Trường Đại học Silpakorn.

Với sự trẻ trung, sáng tạo và nhiệt huyết của sinh viên, các nhóm đã mang đến cho buổi thuyết trình rất nhiều những ý tưởng độc đáo, cách trình bày mới lạ và hấp dẫn.

Buổi tối: sinh viên của các nước đã có những màn trình diễn đa sắc màu trong chương trình giao lưu văn nghệ. Đoàn Trường Đại học Văn hoá Tp.HCM kết hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp.HCM cũng có 1 tiết mục văn nghệ ấn tượng giới thiệu về lịch sử, văn hoá, con người Việt Nam.

 

Sinh viên tại buổi thuyết trình

 

Thầy cô và sinh viên Việt Nam chụp ảnh giao lưu với sinh viên Hàn Quốc đêm biểu diễn văn nghệ giao lưu

 

Sinh viên dự tiệc liên hoan tại đêm giao lưu văn nghệ

 

Bạn Trần Hoàng Duy Khương – sinh viên Khoa Truyền thông - Đại diện cho sinh viên Trường Đại học Văn hoá Tp.HCM nhận chứng nhận từ thầy Trưởng Khoa Khoa học Quản lý Đại học Silpakorn Thái Lan

TS.Nguyễn Thế Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hoá TP.HCM trao quà lưu niệm cho đại diện các trường tham dự giao lưu

 

Phần trình diễn văn nghệ giao lưu của đoàn sinh viên Việt Nam

Ngày 5: Chia tay – kết thúc chương trình

Sau 5 ngày giao lưu, trải nghiệm và tham quan, sinh viên của trường đã có dịp được làm quen với nhiều bạn mới, hiểu thêm về văn hoá, đất nước con người của các nước bạn Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc; và đặc biệt được học hỏi cách thức tổ chức sự kiện, quảng bá văn hoá cũng như tinh thần của con người Thái Lan.

Hơn hết, thông qua chương trình sinh viên có cơ hội được giới thiệu về văn hoá Việt Nam nói chung và giới thiệu về Trường Đại học Văn hoá Tp.HCM nói riêng cho bạn bè quốc tế.

 

Tin và ảnh: Nguyễn Kim Hương

Tôn Long Hạ - BBT Website, cập nhật

(* Trong bài có sử dụng một vài tư liệu ảnh của trường Đại học Silpakorn – Thái Lan)

Share:

Tags: Law, Juggement, lawyer, Cases