VHSO - Sáng ngày 25/12, tại phòng Hội thảo, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh (Số 51 Quốc Hương, phường Thảo Điền, thành phố Thủ Đức). Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật tổ chức Hội thảo khoa học học viên, sinh viên ngành Quản lý văn hóa năm 2024. Hội thảo có sự tham dự của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, các giảng viên, học viên và sinh viên ngành Quản lý văn hóa.

Một góc Hội thảo khoa học học viên, sinh viên ngành Quản lý văn hóa sáng 25/12. Ảnh: Thái Tám.

TS. Vũ Thị Phương, Trưởng Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật cho biết: Hội thảo là một trong những hoạt động của Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật nhằm hướng đến sự kiện chào mừng kỷ niệm 50 năm thành lập Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh (3/01/1976 - 3/01/2026) và Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật. Hội thảo khoa học lần này hướng đến mục tiêu đánh giá tình hình nghiên cứu, giảng dạy và học tập ngành Quản lý văn hóa, nghệ thuật trong suốt 50 năm qua. Đây không chỉ là dịp để nhìn lại những thành tựu, mà còn là cơ hội để cùng nhau thảo luận, trao đổi về những vấn đề như công nghiệp văn hóa, hội nhập quốc tế, giáo dục văn hóa và các khía cạnh lịch sử, hiện đại còn bỏ ngỏ. Đặc biệt, chúng tôi mong muốn làm nổi bật tính ứng dụng trong quản lý văn hóa, hướng đến việc cung cấp các giải pháp thực tiễn, góp phần nâng cao vị thế và hiệu quả hoạt động của ngành.

Đoàn Chủ trì Hội thảo. Ảnh: Thái Tám.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số, ngành văn hóa đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Sự phát triển của các công nghệ mới như: Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT); kỹ thuật số và các mô hình kinh tế sáng tạo,… đã làm thay đổi căn bản cách tiếp cận và quản lý văn hóa (QLVH). Các quốc gia và tổ chức văn hóa không chỉ tập trung vào bảo tồn mà còn đang tích cực khai thác văn hóa như một nguồn lực kinh tế quan trọng. Cách thức tổ chức và vận hành trong lĩnh vực văn hóa hiện nay đòi hỏi các kỹ năng hoàn toàn mới để thích ứng với sự phức tạp gia tăng. Các nhà QLVH cần không chỉ hiểu biết sâu về nghệ thuật và di sản mà còn cần làm chủ công nghệ và chiến lược kỹ thuật số để phát triển bền vững.

PGS.TS. Lâm Nhân, Hiệu trưởng HCMUC phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thái Tám.

Ngành QLVH đóng vai trò then chốt trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển bền vững thông qua sự kết hợp giữa truyền thống và đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, ngành QLVH còn bao quát cả lĩnh vực kinh tế sáng tạo, chính sách văn hóa, truyền thông nghệ thuật…Điều này đặt ngành QLVH trở thành một động lực không thể thiếu trong việc kết nối văn hóa với phát triển kinh tế và xã hội. Ở khu vực phía Nam, với sự đa dạng văn hóa và nguồn tài nguyên phong phú, là môi trường lý tưởng để ngành QLVH phát triển mạnh mẽ. Đây là nơi hội tụ các giá trị văn hóa truyền thống và đương đại, tạo nên một nền tảng vững chắc để thực hiện các sáng kiến quản lý và khai thác văn hóa một cách bền vững.

GS. Tưởng Vi Văn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam, Đại học Quốc gia Thành Công, Đài Loan chia sẻ một số nội dung tại Hội thảo. Ảnh: SVQLVH.

Theo chia sẻ của Ban Tổ chức: Hiện nay, ngành QLVH đang đối mặt với một số vấn đề: (1) Mở rộng phạm vi QLVH: Các nhà QLVH cần phát triển tư duy để tích hợp văn hóa với các lĩnh vực khác như kinh tế, công nghệ và phát triển bền vững, nhằm đáp ứng các yêu cầu mới trong thời kỳ hội nhập và chuyển đổi số. (2) Ứng dụng công nghệ trong quản lý: Việc QLVH hiện nay không chỉ giới hạn trong phạm vi truyền thống mà còn tích hợp các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), và nền tảng kỹ thuật số để tiếp cận và tương tác hiệu quả với khán giả toàn cầu. (3) Chuyển đổi phương pháp quản lý: Các phương pháp QLVH đang dịch chuyển từ mô hình hành chính sang các mô hình sáng tạo và chiến lược nhằm thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động và nhu cầu xã hội. (4) Đối mặt với cạnh tranh toàn cầu: Bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số đã thay đổi hoàn toàn cách thức sản xuất, phân phối, và tiêu thụ sản phẩm văn hóa. Sự cạnh tranh trên thị trường toàn cầu đòi hỏi các nhà QLVH phải đổi mới không ngừng để nâng cao giá trị của sản phẩm văn hóa và đáp ứng nhu cầu của khán giả đa dạng. Để vượt qua các thách thức này, ngành QLVH cần thúc đẩy các sáng kiến đổi mới, xây dựng chiến lược phát triển toàn diện, và trang bị các kỹ năng cần thiết như lãnh đạo bản thân, hợp tác với trí tuệ nhân tạo, và sử dụng hiệu quả các nền tảng kỹ thuật số.

TS,NSƯT Huỳnh Công Duẩn, Phó Trưởng Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật trao tặng Giấy khen cho sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2024. Ảnh: Thái Tám.

Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh (HCMUC) là cơ sở giáo dục đại học có bề dày trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành QLVH. Từ năm 2006, HCMUC được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo trình độ đại học ngành QLVH. Đến năm 2011, HCMUC chính thức triển khai đào tạo trình độ thạc sĩ. Năm 2022, tại Quyết định số 412/QĐ-BGDĐT ngày 27/01/2022, HCMUC tuyển sinh ngành Quản lý văn hóa bậc tiến sĩ với mã ngành 9229042. Đặc biệt, Chương trình đào tạo Đại học ngành QLVH của HCMUC đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng vào năm 2023 theo Thông tư 04/2016/TT-BGDĐT, khẳng định uy tín và chất lượng giảng dạy của HCMUC.

Sinh viên Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật đạt giải trong cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2024 và sinh viên có thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc năm 2024 chụp ảnh lưu niệm cùng BTC và đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: Thái Tám.

Dịp này, Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật HCMUC cũng đã trao Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2024; Khen thưởng sinh viên có thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc nhất năm 2024 và trao giải Minigame về cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2024./.

Hoàng Hải

BBT Website Trường Đại học Văn hóa TP.HCM

Share:

Tags: Law, Juggement, lawyer, Cases