Một tiết mục trong chương trình dự thi kết thúc học phần Dàn dựng múa của sinh viên Khoa Quản lý văn hóa nghệ thuậ

Việt Nam là một quốc gia đa sắc tộc. Vì vậy, nghệ thuật múa Việt Nam cũng hết sức đa dạng, phong phú. Từ Bắc – Trung – Nam, nơi nào cũng có những điệu múa thể hiện bản sắc văn hóa tộc người, vùng miền riêng biệt. Ngày nay, những điệu múa giàu bản sắc đó được tiếp nhận hơi thở của thời đại, một số bị mai một theo thời gian do không thích nghi được với môi trường xã hội mới, nhưng một số khác lại có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn và dần trở thành món ăn tinh thần mà chúng ta vẫn quen gọi là “múa dân gian dân tộc”. Những điệu của của người Mèo, người Thái, người Chăm, người Khmer, người Kinh là những ví dụ điển hình. Bên cạnh đó, trong hoạt động biểu diễn Ca – Múa – Nhạc ở Việt Nam hiện nay, một số hình thức múa đang phát triển, phổ biến như “Múa minh họa”. Thực tế thì giá trị nghệ thuật của hình thức múa này còn gây nhiều tranh luận trong giới chuyên môn.

Múa minh họa là một loại múa diễn đạt nội dung của sự kiện thông qua một loại hình nghệ thuật không phải của chính mình. “Múa minh hoạ có 2 loại: Minh hoạ trang trí và minh họa thuyết minh [1]. Tính “minh hoạ trang trí” ở chỗ hình thức múa này không cần diễn đạt nội dung cần nói. Người hát cứ hát, phần múa minh họa cứ múa mà không phụ thuộc vào nhau, không cần bám theo nội dung sự kiện mà diễn tài [2]. Tính “minh hoạ thuyết minh” được thể hiện ở chỗ biên đạo múa phải bám sát nội dung của bài ca để sáng tạo các động tác múa phù hợp. Vì lẽ đó, múa minh họa thuyết minh luôn chứa đựng những nội dung nhất định và gắn với nội dung của ca khúc. Ví dụ: tiếc mục múa minh họa bài hát Cô gái Sài Gòn đi tải đạn của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ phải thể hiện được các động tác, hình ảnh mạnh mẽ của những cô gái Thanh niên xung phong đang tải đạn ra chiến trường trên tuyến đường Trường Sơn máu lửa.

Khác về bản chất, đặc điểm với múa minh họa thuyết minh, múa minh hoạ trang trí  là thành tố nhằm góp phần làm cho sân khấu, tiếc mục biểu diễn của ca sỹ thêm sống động mà hầu như không gắn với nội dung của nhạc phẩm. Do đó, nhiều người trong giới chuyên môn còn định danh đây là múa trang trí. Đặc điểm này giúp cho biên đạo múa khi sáng tác một tiết mục múa minh họa trang trí tự do hơn trong sáng tạo, không bị bó buộc vào nội dung của nhạc phẩm. Điều đó cũng cho phép một bài múa minh họa trang trí có thể được sử dụng cho nhiều tiết mục biểu diễn âm nhạc khác nhau.

Dù khác nhau về đặc điểm ngôn ngữ thể hiện, nhưng múa minh hoạ trang trímúa minh hoạ thuyết minh đều có chung vai trò là thành tố phụ, tô điểm thêm cho tiết mục biểu diễn của ca sỹ. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, nhất là với những ca sỹ mới bước chân vào nghề, hoặc còn “non” trình độ chuyên môn, thì hai hình thức múa này có thể giúp họ “lấp khoảng trống” trên sân khấu, và tự tin hơn trong biểu diễn. Như vậy, dù ít hay nhiều, thì 2 hình thức của múa minh họa  đều có những giá trị, vai trò và chỗ đứng riêng trên sân khấu, và suy rộng ra là trên thị trường nghệ thuật biểu diễn Ca – Múa – Nhạc hiện nay ở Việt Nam.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, không ít người trong giới nghệ thuật cho rằng múa minh họa không đáng được gọi bằng mỹ từ “Nghệ thuật múa”, tất nhiên không thể được xem là một loại hình trong tổng thể nghệ thuật Múa Việt Nam. Quan điểm đó liệu có công bằng cho hình thức múa minh họa vốn đang rất phát triển và có những đóng góp thiết thực cho thị trường văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay. Chúng ta thử hình dung, từ chương trình biểu diễn Ca – Múa – Nhạc tổng hợp nặng tính thương mại; đến những chương trình âm nhạc chuyên đề đậm chất hàn lâm, nếu không có sự góp mặt của những tiết mục múa minh họa thì có lẽ chương trình có phần tẻ nhạc, kém sinh động, hấp dẫn – một trong những yếu tố thu hút công chúng, nhất là công chúng trẻ hiện nay. Vậy nên, liệu có quá lời chăng khi nói rằng múa minh họa đã góp phần tạo ra một bố cục chương trình vừa đẹp, vừa hấp dẫn. Thậm chí, nhiều chương trình, nhờ có múa minh họa mà có chiều sâu, lắng đọng, giàu sức gợi hơn vì đặc thù của ngôn ngữ múa là ngôn ngữ biểu tượng, hình tượng. Đó là lúc mà múa minh họa đã vượt qua được những “định kiến” của xã hội, và phát huy hết năng lực của ngôn ngữ múa. Ngoài ra, từ góc nhìn kinh tế văn hóa, hình thức múa minh họa đã tạo ra một thị trường lao động nghệ thuật múa khá sôi động với sự góp mặt của hàng nghìn nghệ sỹ múa không chuyên. Sự ra đời của hàng trăm vũ đoàn, nhóm nhảy, nhóm múa trên khắp Việt Nam là mình chứng sống động cho nhận định này.

Các tiết mục Múa trong học phần Dàn dựng múa của sinh viên chuyên ngành Tổ chức hoạt động văn hóa nghệ thuật- Khoa Quản lý văn hóa nghệ thuật - Đại học Văn hóa TP.HCM 

Tóm lại, múa minh họa với hai hình thức minh hoạ thuyết minh minh hoạ trang trí ra đời là nhu cầu tất yếu của thị trường văn hóa nghệ thuật hiện nay ở Việt Nam. Hai hình thức múa này dù vẫn còn chịu nhiều sự “định kiến” của những người làm nghệ thuật và cả công chúng, nhưng công bằng mà nói, chúng thật sự có những đóng góp nhất định về giá trị nghệ thuật, kinh tế cho đời sống xã hội đương đại, nhất là ở các thành phố lớn. Đó là điều mà tác giả muốn chuyển tải trong bài viết này.

L.T.V.N



[1] Đặng Hùng (2001), Phương pháp sáng tác múa, NXB Văn nghệ Tp. HCM, tr.89.

[2] Đặng Hùng, Sđd, tr.90.

 

Share:

Tags: Law, Juggement, lawyer, Cases