Triển khai thực hiện Kế hoạch số 42/KH-ĐHVHHCM ngày 17/4/2024 của Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh về việc xây dựng, điều chỉnh, cải tiến chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học giai đoạn 2024-2028, vào ngày 25/7/2024 Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật tổ chức tọa đàm khoa học “Đánh giá chất lượng chương trình đào tạo trình độ Thạc sĩ ngành Quản lý văn hóa tại trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh”. Tọa đàm có sự tham dự của hơn 50 đại biểu và 17 ý kiến đóng góp trực tiếp từ các bên liên quan bao gồm: Đội ngũ lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo và quản lý Trường, đội ngũ giảng viên, chuyên viên, nhà tuyển dụng, cựu học viên và học viên. Trong các nội dung thảo luận tại tọa đàm, có một câu hỏi lớn đặt ra chưa được trả lời, đó là: Chương trình đào tạo trình độ Thạc sĩ ngành Quản lý văn hóa tại trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh theo định hướng nào? Định hướng nghiên cứu, ứng dụng, hay kết hợp giữa nghiên cứu và ứng dụng? Để cung cấp thêm thông tin cho quá trình ra quyết định của Nhà trường, bài viết này đưa ra một phân tích dưới góc nhìn chuyên gia[1].

Trước hết, phải thấy rằng những câu hỏi trên là thuộc về vấn đề đảm bảo chất lượng và chiến lược của Nhà trường. Nó liên quan đến cả một quá trình đi từ Kỳ vọng của các bên liên quan, cho đến Chiến lược (Tầm nhìn, Sứ mệnh), Kế hoạch triển khai, Đo lường thành quả của trường và cuối cùng là Sự hài lòng của các bên liên quan[2]. Theo mô hình Quản lý chất lượng đào tạo của giáo dục đại học – HEQM (Higher Education QM) thì quá trình này bao gồm 13 bước (Hình 1).

Bước (1). Đầu tiên, chúng ta phải tìm hiểu những bên liên quan họ muốn cái gì, họ cần cái gì? (Requirements stakeholders – hàng đầu tiên). (2) Từ đó chúng ta xem lại việc xác định Chiến lược: Nhà trường đã xây dựng Tầm nhìn thế nào, Sứ mệnh, Triết lý ra sao, Mục tiêu của trường là gì? (Vision, Mission, Philosophy, Goals, Aims – cột ngoài cùng bên trái). Phải thấy rõ là từ yêu cầu của thực tiễn mới đưa ra tuyên bố về tầm nhìn, Sứ mệnh của trường và sau khi có chiến lược này mới đi đến kế hoạch triển khai. Trong kế hoạch triển khai gồm có: (3) Kế hoạch về Chính sách (Policy plan), (4) vấn đề Quản trị, quản lý nhà trường như thế nào? (Governanсе), (5) vấn đề quản lý Nhân sự như thế nào? (Human Resources), (6) vấn đề Ngân sách, phân bố, quản lý tài chính như thế nào? (Funding & Financial management). Như vậy sau khi có chiến lược thì Trường phải giải quyết bốn vấn đề rất quan trọng đó là Chính sách, Quản trị, Nhân sự và Ngân sách (cột thứ hai). Bốn mảng này sẽ triển khai ở ba mảng (7) Giáo dục (Educational activities), (8) Nghiên cứu (Research), và (9) Phục vụ cộng đồng (Community Outreach) (cột thứ ba). Bước (10) là chúng ta phải đối sánh (Benchmarking), bước (11) đảm bảo chất lượng (Quality assurance) và (12) chúng ta phải đo lường kết quả (Achievements) (cột ngoài cùng bên phải). Sau khi đạt kết quả thì chúng ta đi đến vấn đề cuối cùng (13) là xem những người liên quan ở bước (1) và (13) có hài lòng/ không hài lòng với chúng ta hay không (Satisfaction stakeholders – hàng cuối cùng).

Hình 1: Higher Education QM Model. Nguồn: Phan Thanh Bình, 2024[3]

Thứ hai, hiện nay các trường đại học ở nước ta trường nào cũng đưa ra là nghiên cứu, trường nào cũng muốn làm nghiên cứu. Thậm chí có một thời kỳ người ta đánh giá nghiên cứu là cao nhất, ứng dụng thì thường thấp hơn và thực hành là thấp nhất. Nhưng thực sự theo đánh giá của UNESCO thì xã hội đều quan tâm cả 3 thành phần: nghiên cứu, ứng dụng, thực hành và tùy theo điều kiện kinh tế xã hội mà thành phần nào quan trọng. Đối với những nước thu nhập thấp thì phần thực hành của họ rất cần lớn; những nước tương đối phát triển thì quan trọng vấn đề ứng dụng và các nước phát triển có tiềm năng kinh tế ở một mức độ nào đó thì nghiên cứu mới mạnh (vì nghiên cứu tốn rất nhiều tiền và hiệu quả nó hơi chậm một nhịp).

Hình chóp dưới đây đề cập đến nhu cầu xã hội đối với đại học nghiên cứu, ứng dụng, thực hành - chính là thể tích của hình chóp này. Tùy theo kinh tế của từng nước cụ thể mà cạnh đáy của hình chóp đáy tam giác này lớn lên, nếu là nước phát triển thì cạnh đáy nghiên cứu có thể to, ứng dụng có thể vừa phải còn thực hành thì rất nhỏ (Hình 2). Không phải lúc nào đại học nghiên cứu cũng được coi là đẳng cấp cao, còn ứng dụng thì thấp, mà tùy vào điều kiện kinh tế xã hội giúp ta nhìn nhận vấn đề. Nhận thức được như vậy để tránh trường hợp có nhiều trường điều kiện làm nghiên cứu, cán bộ giảng dạy trình độ vừa phải, kinh tế cũng vừa phải, nhưng lúc nào cũng đặt ra tầm nhìn của mình là trở thành trường nghiên cứu đẳng cấp quốc tế. Cần thấy rằng Sứ mệnh, Tầm nhìn phải được đặt ra một cách phù hợp với điều kiện của đơn vị và yêu cầu thực tiễn của xã hội. Một khi chọn đúng mục tiêu thì sự phát triển của trường mới dễ dàng, nếu không thì vấn đề sẽ mãi mãi là đuổi theo những mục tiêu quá tầm chúng ta.

Hình 2: Nhu cầu xã hội đối với đại học nghiên cứu, ứng dụng, thực hành.

Nguồn: Phan Thanh Bình, 2024[4]

Thứ ba, vấn đề phát triển nhà trường theo hướng nghiên cứu, ứng dụng hay thực hành thì hiện nay có những trường vừa có một bộ phận là nghiên cứu, vừa có một bộ phận là ứng dụng. Tùy theo nhà trường mà có thể ứng dụng trên 50%, có nhà trường thì ứng dụng dưới 50%...

Cuối cùng, để trả lời cho các câu hỏi: Định hướng chương trình đào tạo trình độ Thạc sĩ ngành Quản lý văn hóa theo hướng nghiên cứu hay ứng dụng? Hay kết hợp giữa nghiên cứu và ứng dụng? Và có thể theo hướng đào tạo “Mini Master”[5] chỉ đào tạo 1 năm hay không? – Theo PGS.TS. Phan Thanh Bình thì đây là vấn đề thuộc về Chiến lược của nhà trường. Vì vậy khó có thể tư vấn trường theo nghiên cứu hay ứng dụng mà phải trở lại với việc xây dựng Chiến lược của nhà trường. Trường cần ngồi lại và bàn bạc với nhau, với năng lực của mình, với yêu cầu như thế, chúng ta mạnh về nghiên cứu hay mạnh về phục vụ? Nghĩa là cần phải xem cái lớp mà chúng ta phục vụ là gì: là cộng đồng nghiên cứu lớp trên, hay là cung cấp một nguồn nhân lực cho xã hội? Nên nhớ rằng, trong nguồn nhân lực xã hội có 3 loại: dân trí, nhân lực và nhân tài. Dân trí thì thuộc về phổ thông, còn lại 2 thành phần thì chúng ta nghiêng về nhân lực hay nhân tài? Nếu chúng ta nghiêng về nhân tài thì chúng ta tập trung về vấn đề nghiên cứu, nếu chúng ta nghiêng về nhân lực thì ta tập trung về ứng dụng và nó phải phụ thuộc vào vấn đề xây dựng chiến lược của nhà trường.

Nhà trường cần phải khảo sát, xem nhu cầu của các bên liên quan như thế nào? kể cả năng lực của mình, từ đó mới xây dựng ra được tầm nhìn, sứ mệnh, chính sách... Thực tế cho thấy, ở một vài trường lớn của thành phố hiện nay đang có khuynh hướng vẫn giữ phần nghiên cứu, nhưng giữ một tỷ lệ nhất định và đào tạo một phần ứng dụng. Việc đó do nhà trường tự bàn với nhau. Cũng có những trường tập trung toàn bộ đi vào nghiên cứu, nhưng cũng có những trường vừa nghiên cứu vừa ứng dụng. Những trường theo hướng nghề nghiệp thì một phần họ đi về nghiên cứu, một phần đi về ứng dụng, còn những trường thuộc về nghiên cứu thì thường chỉ đi về nghiên cứu và đó là những trường thiên về khoa học nhiều hơn.

Về vấn đề đào tạo thạc sĩ 1 năm (“Mini Master”) thì ở Anh có thạc sĩ 1 năm, còn ở Việt Nam hiện nay chưa có vì luật chưa cho phép. Hiện tại số tín chỉ của chương trình thạc sĩ vẫn còn cao và vẫn phải là 2 năm.  

Tóm lại, trước khi đưa ra quyết định chính thức, Nhà trường cần phải làm rõ được những vấn đề mang tính Chiến lược là chúng ta đi đâu? Triết lý như thế nào? Giá trị trường ta là gì?…Tất cả những điều đó phải được bàn rất kỹ để thống nhất trong toàn trường, lúc đó chúng ta sẽ biết rằng Chương trình đào tạo trình độ Thạc sĩ ngành Quản lý văn hóa theo hướng nghiên cứu hay ứng dụng./.

Nguyễn Thị Phà Ca

Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật

 

[1] Bài viết này dựa trên bài giảng và tham vấn của PGS.TS.Phan Thanh Bình (Nguyên Giám đốc ĐHQG TPHCM; từ 2016-2021 Đại biểu Quốc hội Việt Nam, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội và giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội; hiện nay là thành viên Hội đồng Đại học ĐHQG TPHCM, Hội đồng trường Trường Đại học Bách Khoa - ĐHQG TPHCM và Ban Cố vấn Toàn cầu của Đại học Fulbright, Việt Nam) tại buổi học ngày 30/7/2024, lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm định viên giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm khóa 2024 - đợt 3,4 do Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐHQG TPHCM tổ chức.

[2] Phan Thanh Bình (7/2024), Quản trị đại học - Góc nhìn quản lý chất lượng và quản trị rủi ro. Tài liệu Bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm định viên giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm khóa 2024 - đợt 3,4. Tr.42.

[3] Phan Thanh Bình (tldd). Tr.43.

[4] Tiêu đề hình do tác giả đặt. Nguồn: Phan Thanh Bình (tldd). Tr.49.

[5] Hình thức đào tạo “Mini Master” là ý kiến của PGS.TS. Đỗ Ngọc Anh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa TP.HCM, hiện là giảng viên thỉnh giảng CTĐT Thạc sĩ ngành QLVH.

Share:

Tags: Law, Juggement, lawyer, Cases