VHSO - Chiều ngày 14/6, tại sân khấu lớn Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh (Số 51 Quốc Hương, phường Thảo Điền, thành phố Thủ Đức) đã diễn ra Chương trình biểu diễn nghệ thuật với chủ đề “Nẻo về” do Tập thể lớp Đại học Quản lý văn hóa 16.3, chuyên ngành Tổ chức dàn dựng các chương trình văn hóa, nghệ thuật tổ chức với sự cố vấn của Tiến sĩ - Đạo diễn Hoàng Duẩn.
Tiểu phẩm sân khấu kịch “Bờ ói” mở đầu chương trình báo cáo kết thúc học phần “Kỹ thuật biểu diễn” chiều ngày 14/6.
“Nẻo về” là một chương trình nghệ thuật với nhiều tiết mục ấn tượng mà Tập thể lớp Đại học Quản lý văn hóa 16.3, chuyên ngành Tổ chức dàn dựng các chương trình văn hóa, nghệ thuật mang lại cho khán giả trong buổi báo cáo kết thúc học phần “Kỹ thuật biểu diễn”. “Nẻo về” - Thông điệp nói lên nhiều ý nghĩa, ai cũng đang bước đi trên một con đường và con đường ấy dẫn ta về đâu? Đôi khi chỉ đi đến cuối mới có thể thấu hiểu hết được câu trả lời. “Nẻo về” đôi khi là cái duyên, dẫn dắt ta và những người xung quanh cùng hướng đến mục tiêu chung. “Nẻo về” đôi khi là sự thức tỉnh, nhắc chúng ta đừng lầm đường lạc lối, phải cố gắng tìm đúng “nẻo” để “về”. “Nẻo về” đôi khi là một con đường xa lạ, đi nhiều lại hóa ra quen, là những gì tưởng chừng không liên quan đến cuộc đời ta nhất, nhưng thật ra được “sinh ra” để dành cho ta… Cho dù “Nẻo về” có muôn hình vạn trạng cách nhìn, nhưng đích đến cuối cùng chính là tất cả đều đi trên con đường hướng đến cái thiện trong cuộc sống. Những cái tốt đẹp của cuộc đời, chính là “kim chỉ nam”, kéo ta ra khỏi bóng tối mịt mù, đi đúng con đường mà ta đã chọn và bước tiếp.
Một phân đoạn xúc động trong tiểu phẩm sân khấu kịch “Chị tôi”.
Mở đầu chương trình là một tiểu phẩm sân khấu kịch “Bờ ói” khắc họa câu chuyện ma mị về tâm linh, với câu hỏi mà con người vẫn thường đặt ra: Tâm linh liệu có linh không? Đó vẫn là câu hỏi mang tính ẩn số. Có người tin, có người hoài nghi về những điều ma mị chưa thể giải thích được bằng khoa học. Tâm linh còn tùy vào đức tin hay niềm tin của con người vào thế giới siêu hình. Tâm linh không linh khi tâm tính con người ta không tốt, lợi dụng “thần thánh” và huyền học để mưu cầu những mục đích tiêu cực. Với lối diễn xuất chân thật, chân chất từ những cô cậu sinh viên, nhóm diễn viên của lớp Quản lý văn hóa 16.3 đã mang đến cho khán giả một bức tranh đầy màu sắc huyền ảo và bí ẩn trên những “Nẻo về”.
Một phân đoạn trong tiểu phẩm sân khấu kịch “Chợ mới”.
Nếu như “Bờ ói” là một câu chuyện về tâm linh thì “Chị tôi” và “Chợ mới” lại khắc họa nên một bức tranh về tình thân, tình yêu đôi lứa, tình làng nghĩa xóm đã mang đến cho khán giả những tiếng cười vui nhộn và xen lẫn với đó là những giọt nước mắt. “Chị tôi” và “Chợ mới” giúp người xem nhìn thấy được cuộc sống muôn màu mà chúng ta đang sống luôn ẩn chứa những bất ngờ thú vị. Cuộc sống có những thứ diễn ra thật đơn giản, nhưng lại khiến ta ngỡ ngàng ở những giây phút cuối cùng. Có những hành xử tưởng chừng như rất sai, nhưng khi đứng ở điểm cuối hành trình ta lại nhận ra nó là đúng đắn. Tình cảm gia đình cũng không là ngoại lệ, khi chúng ta tưởng rằng nó thật đơn giản khi nói ra, nhưng lại phức tạp vô cùng với biết bao thăng trầm, có những lúc ta vô tâm lờ đi nhưng lại nhận ra vào phút cuối cùng với sự hối hận và tiếc nuối.
Một phân đoạn trong vở diễn tái hiện sự hy sinh anh dũng của mười cô gái TNXP ở Ngã ba Đồng Lộc đã gây nhiều xúc động cho khán giả.
Cùng với những câu chuyện về tâm linh, tình thân, trên những “Nẻo về” khán giả còn được ôn lại những năm tháng hào hùng của lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, giành lại nền độc lập cho nước nhà của các thế hệ đi trước qua một trích đoạn mang tên “Hoa bất tử”. “Hoa bất tử” tái hiện lại sự hy sinh anh dũng của mười cô gái thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc. Tình đồng đội đan xen với tình yêu đôi lứa là những tình cảm mà trích đoạn muốn mang đến cho khán giả. Mười cô gái tuổi mới mười chín đôi mươi trong tay chỉ có cuốc xẻng, đã chiến đấu anh dũng dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù, kiên cường, chung một chí hướng với những ước mơ, hoài bão của riêng mình và với mệnh lệnh từ trái tim “Máu có thể ngừng chảy, tim có thể ngừng đập nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắc”. Bom đạn có thể làm rung chuyển cả núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển những trái tim của những “bông hoa bất tử” ấy và họ đã mãi mãi nằm lại để tổ quốc được độc lập, dân tộc được tự do như ngày hôm nay. “Hoa bất tử” đã giúp khán giả cảm nhận được sự mất mát không gì bù đắp được và cả những nỗi đau của người ở lại khi chiến tranh qua đi. Máu xương các cô vẫn nằm đó, ngủ yên nơi đất mẹ. Những đóa hoa Đồng Lộc nở rộ trên con đường hướng về Tổ Quốc. Nhắc cho chúng ta nhớ rằng, hòa bình đắt đỏ như thế nào. Mười cô gái, mười quê hương khác nhau, họ cũng có gia đình, có những người thân thương chờ họ trở về…
Tập thể sinh viên lớp Đại học Quản lý văn hóa 16.3, chuyên ngành Tổ chức dàn dựng các chương trình văn hóa, nghệ thuật chụp ảnh lưu niệm sau buổi diễn.
Chương trình biểu diễn báo cáo kết thúc học phần “Kỹ thuật biểu diễn” kết thúc đã để lại trong lòng khán giả nhiều ấn tượng khó phai. Với sự dàn dựng công phu cùng lối diễn xuất được tôi luyện trong thời gian đào tạo dưới mái trường Văn hóa, sự hướng dẫn tận tâm của đội ngũ sư phạm Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật đã giúp các em từng bước hoàn thiện mình trước khi tốt nghiệp ra trường lập thân lập nghiệp. Sự thành công của một chương trình ngày hôm nay sẽ là bước đệm để các em vững vàng hơn khi được sống và làm việc với những đam mê và hoài bảo của mình trên con đường mà các em đã chọn. Đó là những chia sẻ của Tiến sĩ - Đạo diễn Hoàng Duẫn, Phó Trưởng khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật, Giảng viên cố vấn học phần “Kỹ thuật biểu diễn” cho lớp Đại học Quản lý văn hóa 16.3 sau khi chương trình khép lại./.
Hoàng Hải
BBT Website Trường Đại học Văn hóa TP.HCM