Văn hóa học-đồng hành cùng đam mê, kiến tạo tương lai

bởi quản trị viên | Ngày đăng: 22-05-2020


Là sinh viên khoa Văn hóa học khóa 2014-2018, Lê Cúc hiện là phóng viên của Báo Quân đội nhân dân. Từ những kiến thức, kỹ năng được tích lũy từ mái trường Đại học Văn hóa, Cúc đã trở thành một trong những cây bút "chắc tay" trong mảng viết về văn hóa. Cùng lắng nghe những chia sẻ và trải nghiệm của cô về ngành Văn hóa học và mối duyên với nghề báo.

Trên cung đường đi tìm chất liệu cho những bài viết đầy dấu ấn của mình, mỗi vùng đất là một trải nghiệm riêng đối với bản thân tôi. Tây Nguyên hùng vĩ với những vườn tiêu, điều, cà phê chạy dài bát ngát một màu xanh ngắt; miền Trung gợn sóng, xanh biếc trải dài thân hình đất nước; Tây Bắc oai hùng với những dãy núi chập chùng mà không kém phần thơ mộng nơi ruộng bậc thang óng vàng lúa chín...Quả chẳng sai khi ai đó trầm trồ mà nói: “làm báo thích thật! được đi khắp nơi”.  Mà đấy chính là đặc quyền riêng của nghề báo.

Dạo gần đây, khi ngày hội tuyển sinh vào các trường Đại học, Cao đẳng đang rạo rực, lũ trẻ ở quê cứ nhắn tin hỏi tôi suốt về nghề báo. Tôi chẳng biết nên bắt đầu và khuyên nhủ chúng ra sao khi tôi không phải là dân gốc báo chí ra. Tôi học Văn hoá học và làm báo cũng từ văn hoá mà ra. Thoạt nghe thì không thấy gì liên quan cho lắm, bởi khi học ở trường tôi cũng không có chút kiến thức gì về báo chí. Thế nhưng “Văn hoá học” lại cho tôi cái gốc, cái nguồn để trở thành một phóng viên lăn xả.

Là phóng viên của một tờ báo lực lượng, chúng tôi thường xuyên có những chuyến công tác đến vùng sâu vùng xa, vùng biên giới của đất nước để cùng bộ đội tuyên truyền và giúp đỡ nhân dân ở vùng. Nhờ kiến thức “Văn hoá” đã được học ở giảng đường Đại học, tôi dễ dàng nắm bắt tâm tư tình cảm cũng như phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó việc phỏng vấn, ghi hình cũng trở nên dễ dàng hơn, thậm chí tôi còn khai thác được nhiều thông tin thú vị hơn bởi lẽ đó.

Ấn tượng trong số đó là dịp công tác tại Lộc Ninh, Bình Phước, tôi được đến thăm đồng bào dân tộc S’Tiêng. Với nhiệm vụ viết bài chân dung nhân vật, tôi loay hoay mãi với hàng tá chi tiết để tận dụng vào bài viết mà mãi chẳng chọn được điểm nào. Tôi chợt nhớ có lần học môn “Điền dã dân tộc học”, giảng viên có hướng dẫn chúng tôi về một số bản sắc văn hoá vốn có của các dân tộc để chúng tôi dễ tiếp cận hơn khi tập sự ở cùng với đồng bào dân tộc thiểu số. Và trong đó người dân tộc S’Tiêng được cô dặn dò với bản tính đôn hậu trầm lắng và rất yêu ca hát. Trong vốn âm nhạc cổ truyền của đồng bào S'tiêng, nghệ thuật cồng chiêng nổi lên như một viên ngọc sáng. Cũng như các dân tộc khác trên dọc dãy Trường Sơn, cồng chiêng đã gắn bó với cộng đồng người S'tiêng như máu thịt, nó đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh vật chất, sức mạnh tinh thần của đồng bào. Nghệ thuật cồng chiêng S'tiêng mang nhiều nét chung của cồng chiêng Tây Nguyên và cũng có rất nhiều yếu tố độc đáo mang tính đặc thù của dân tộc mình. Nó đã tự khẳng định được một chỗ đứng vững chắc, một giá trị đáng tự hào trong đại gia đình cồng chiêng Việt Nam.

Với chủ đề “Cồng chiêng” và bài viết đăng tải có tựa đề “ Lão chiến sĩ biên phòng nơi biên ải” viết về già làng Điểu Nắng - người giữ lửa văn hoá cồng chiêng S’Tiêng ở phía Tây Nam tổ quốc và là người tuyên truyền, thông tin, gắn kết cùng với bộ đội biên phòng nơi đây, sau đó bài viết đạt giải thưởng trong cuộc thi “Những tấm gương bình dị mà cao quý”. Từ những chuyến công tác như thế, tôi định hình được mảng viết trọng tâm của mình là “Văn hoá”, tận dụng kiến thức học tập trên giảng đường đại học, việc làm báo của tôi cũng trở nên dễ dàng hơn.

Còn nhớ những ngày lưng chừng của năm đầu đại học, tôi và đám bạn vẫn thường kháo với nhau về ngành học của mình rồi sẽ đi về đâu? Ngành này học những gì? Ra trường làm gì với ngành này? Có dễ xin việc hay không?...Đó là hàng tá câu hỏi và tâm lý chung của chúng tôi chứ không chỉ riêng ai. Thế rồi  cũng ổn, từ kiến thức nền về văn hóa, chúng tôi định hình và phát triển nghề nghiệp theo sở trường và kế hoạch của riêng mình. Bởi bản chất tôi thấy ngành nghề nào thì cũng cần có “văn hóa” và trong quá trình học từng học phần đã chứng minh điều đó.

Giờ đây đám bạn cùng chung những câu hỏi với tôi cũng đã tìm cho mình được những công việc phù hợp liên quan đến các ngành như: báo chí, truyền thông, du lịch, tổ chức sự kiện, công tác văn hóa tại các quận, huyện,…Đó chính là những câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi ngô nghê thuở sinh viên của chúng tôi.

Hôm nay, với tư cách là cựu sinh viên của khoa Văn hoá học, trường Đại học Văn hoá TP Hồ Chí Minh, tôi luôn tự tin với ngành học của mình mà ngồi đây tư vấn cho các em để lựa chọn ngành học hợp lý và đúng với đam mê, từ đó phát triển bản thân hơn nữa. Hy vọng rằng “Văn hóa học” sẽ đồng hành cùng với đam mê và nhiệt huyết của các bạn để cùng kiến tạo tương lai!

Lê Cúc, Báo Quân đội Nhân dân

Cựu sinh viên khóa 2014 - 2018

 

Từ khóa:

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA TP. HỒ CHÍ MINH

Địa chỉ:    

CS1: 51 Quốc Hương, P.Thảo Điền, TP. Thủ Đức.

CS2: 288 Đỗ Xuân Hợp, P.Phước Long A, TP. Thủ Đức. 

Điện thoại: (028)38992901

Email: dhvh@hcmuc.edu.vn

Website: http://hcmuc.edu.vn

Fanpage: https://www.facebook.com/VHS1976

 


Copyright © 2018 - http://hcmuc.edu.vn/ . All rights Reserved.