Lý tưởng của thanh niên Việt Nam một thế kỷ trước soi
đường cho thế hệ trẻ hôm nay
Nguyễn Quốc Hùng*
Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc, là người chủ tương lai của đất nước…Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do thanh niên”(1). Thanh niên luôn có hoài bão lớn, có ước mơ cháy bỏng. Giàu nghị lực, sống với lý tưởng mãnh liệt và dám xả thân vì nghĩa lớn, thanh niên rất năng động, sáng tạo, dám khám phá cái mới và đủ sức khỏe, đủ thời gian thực hiện những hoài bão cao đẹp của mình. Trong bất cứ thời đại nào, lực lượng thanh niên chính là nguồn xung lực mạnh mẽ nhất của đất nước, là đại biểu cho tinh thần tự tôn và sự đi lên của cả dân tộc.
Đầu thế kỷ XX, đất nước ta đã bị thực dân Pháp xâm lược và đặt ách đô hộ. Nhân dân ta muốn rửa vết nhơ nô lệ nhưng không được, rửa hận cũng không xong, không phải vì thiếu tinh thần và ý chí kiên cường dũng cảm, mà chính là thiếu phương hướng và đường lối đúng đắn, thiếu lý tưởng, thiếu người lãnh đạo. Những thử thách mới lại đòi hỏi lớp lớp người trẻ tuổi bước vào cuộc chiến đấu mới. Ngay trong bối cảnh đó, chính lớp thanh niên đã tìm ra chân lý, tìm ra con đường cho dân tộc đi theo và đảm nhận vai trò lãnh đạo toàn dân, đưa Việt Nam thoát khỏ ách nô lệ.
Năm 1911, mặc dù tại thời điểm này ở Việt Nam đang tồn tại đồng thời ba sự lựa chọn từ ba giải pháp cứu nước (đó là con đường đấu tranh theo khuynh hướng phong kiến và con đường theo khuynh hướng tư sản với 2 xu hướng bạo động và cải cách), nhưng người thanh niên Nguyễn Tất Thành lúc này mới 21 tuổi, đã sớm nhận ra các giải pháp đó đều không phù hợp và không thể đáp ứng được yêu cầu của lịch sử dân tộc. Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã quyết tìm một hướng đi mới. Từ trải nghiệm của bản thân, Người đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn, đáp ứng được yêu cầu của lịch sử dân tộc đồng thời phù hợp với xu thế của thời đại mới. Đó là con đường giải phóng dân tộc gắn với giải phóng giai cấp và giải phóng con người, độc lập dân tộc gắn liền với xã hội chủ nghĩa.
Trong thế kỷ XX, với chính sách nô dịch và kìm hãm kinh tế - xã hội và văn hóa với việc “gieo rắc một nền giáo dục đồi bại, xảo trá và nguy hiểm hơn cả sự dốt nát”(2) của thực dân thì những người Việt Nam, đặc biệt là thanh niên, “mặc dù bị người phương Tây coi là lạc hậu, vẫn hiểu rõ hơn hết sự cần thiết của một cuộc cải cách toàn bộ xã hội” và sự tồn vong của dân tộc phụ thuộc vào thanh niên. Vị lãnh tụ trẻ tuổi Nguyễn Ái Quốc đã rung lên hồi chuông đối với những người cùng trang lứa: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại. Người sẽ chết mất, nếu thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh!”(3).
Giữa vòng nô lệ, nhiều thanh niên mà trước hết là những thanh niên trí thức đã tìm đường “vượt ngục”. Họ cho rằng, việc xuất dương là một khám phá mới, bởi việc xuất dương không đặt các thanh niên trí thức vào tình trạng bên ngoài cuộc đấu tranh. Trong đó, con đường sang phương Tây, sang Pháp cũng là một con đường chống Pháp. Nếu không sang Pháp thì theo đường “Đông Du” đến Nhật hoặc vượt biên sang Trung Quốc, Thái Lan…. Họ ra đi mang theo một bầu nhiệt huyết đặng cứu giống nòi. Tiêu biểu như Lê Duy Doãn, Lê Văn Phan và Phạm Đài, là ba thanh niên cùng quê Xứ Nghệ. Họ nguyện ra đi để xứng với dòng máu Lạc Hồng, làm rạng danh vùng đất sông Lam núi Hồng, nên cả ba người cùng lấy tên mới với chữ “Hồng” làm tên lót: Lê Duy Doãn là Lê Hồng Phong; Lê Văn Phan là Lê Hồng Sơn và Phạm Đài là Phạm Hồng Thái. “Thái - Sơn - Phong có nghĩa là ngọn gió núi Thái Sơn, nhất định sẽ mạnh, nhất định sẽ thổi bay tất cả quân xâm lược”(4).
Trong thế kỷ XX, con đường tìm kiếm lý tưởng của thanh niên là con đường đầy khó khăn gian khổ. Không phải chỉ cần một trái tim nhiệt tình cháy bỏng, mà còn cần cả sự thông minh của khối óc; không phải chỉ bằng quan sát, chiêm nghiệm với một nghị lực phi thường, mà còn phải lăn lộn trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc mới có thể đến được với lý tưởng cao đẹp. Thanh niên Việt Nam biết rằng, “Dấn thân vô là phải bị tù đày - Là gươm kề tận cổ súng kề tai - Là thân sống coi như còn một nửa”(5). Những thanh niên Việt Nam vẫn chấp nhận hy sinh để trở thành nòng cốt, thành những cơn “Sóng Hồng”(6) trong phong trào cách mạng. Họ luôn trau dồi bản thân, luôn “Tự chỉ trích”(7) để vươn lên. Họ xác định phải chiến đấu vì dân tộc, vì nhân dân. Nguyện “Là con của vạn nhà - Là em của vạn kiếp phôi pha - Là anh của vạn đầu em nhỏ…”(8) để hiến dâng tuổi thanh xuân, kể cả tính mạng nếu cần, trong cuộc “Trường Chinh”(9) giành độc lập, tự do cho dân tộc. Hãy nghe câu nói của Hà Huy Tập trước họng súng kẻ thù: “Tôi không có gì phải hối tiếc. Nếu còn sống tôi sẽ tiếp tục hoạt động”(10); còn Lý Tự Trọng, ở tuổi 16, cái tuổi thần tiên của cuộc đời, đã khẳng định lý tưởng của mình: “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng chứ không thể là con đường nào khác”(11). Những câu nói đầy khảng khái đó đã thể hiện lẽ sống của phần lớn thanh niên Việt Nam lúc bấy giờ.
Trong thế kỷ XX, thanh niên Việt Nam là những người rất sớm xa rời chủ nghĩa quốc gia cải lương mà các lãnh tụ đã lên án việc bất hợp tác ở các trường. Có thể nói, thanh niên Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ XX đã tự tin đón nhận cuộc “chuyển giao thế hệ”, “họ lao vào một loại tìm kiếm không ngừng về tư tưởng và đến với chủ nghĩa Mác”(12). Trên thực tế, những thanh niên trì thức cấp tiến, đã nhanh chóng gia nhập tổ chức của thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập: Tổ chức Việt Nam cách mạng thanh niên và sau đó là gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam để thực hiện hoài bão, lý tưởng của mình ở độ tuổi mười chín hai mươi tiêu biểu như: Lê Hồng Phong (23 tuổi); Lê Hồng Sơn (24 tuổi); Hồ Tùng Mậu (29 tuổi); Trần Phú (21 tuổi); Hà Huy Tập (22 tuổi); Nguyễn Văn Cừ (17 tuổi); Võ Nguyên Giáp (29 tuổi); Trường Chinh (20 tuổi); Phạm Văn Đồng (20 tuổi); Nguyễn Văn Linh (14 tuổi); Lê Duẩn (22 tuổi); Nguyễn Thị Minh Khai (20 tuổi); Nguyễn Đức Cảnh (18 tuổi); Ngô Gia Tự (18 tuổi)….Thế hệ thanh niên đầu thế kỷ XX đã trở thành lực lượng xung kích của cách mạng Việt Nam.
Trong thế kỷ XX, thanh niên Việt Nam đã nhận thức rằng: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(13). Đây là lý tưởng cao đẹp nhất, là niềm tin, lẽ sống của lớp thanh niên, sau đó đã trở thành lý tưởng cho cả dân tộc Việt Nam.
Thế kỷ XX là thế kỷ của lớp lớp thanh niên Việt Nam thực hiện những lời thề, đó là lời thề giành lại độc lập dân tộc “…dù phải hy sinh đến đâu, dù có đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng quyết giành cho được độc lập dân tộc” và sẵn sàng “…đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững nền độc lập ấy”, “…thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”; là lời thề chiến đấu cho Tổ quốc và cho cả nhân loại với chân lý “không có gì quý hơn độc lập tự do”!
Sự nghiệp đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc và xã hội chủ nghĩa là một cuộc cách mạng lâu dài, gian khổ và quyết liệt nhất, triệt để và vinh quang nhất. Trong cuộc “trường chinh” này, thế hệ thanh niên thế kỷ trước đã tìm ra chân lý, tìm thấy lý tưởng chiến đấu và đồng thời thực hiện được một phần công cuộc ấy. Thế hệ đó đã giành lại độc lập dân tộc, tự do cho dân tộc. Nó cũng nói lên một điều rằng, thế hệ ngày nay sẽ bước tiếp con đường ấy, xây dựng thành công xã hội xã hội chủ nghĩa - xã hội mà hiện nay toàn Đảng, toàn dân ta đang định hướng và từng bước định hình mà thanh niên sẽ là lực lượng quan trọng nhất quyết định sự thắng lợi này.
Một thế kỷ là quãng thời gian đủ để chúng ta nhìn lại quá khứ với ý niệm “ôn cố tri tân” trong quy luật tất yếu của dòng chảy truyền thống. Bởi lịch sử phát triển của dân tộc là kết quả sự kế tục từ các thế hệ nối tiếp nhau. Nếu không biết trân trọng truyền thống thì chỉ có thể là những người không có trái tim. Nhưng nếu chúng ta không tiếp nối truyền thống để vươn lên thì chúng ta không có khối óc. Chúng ta không thể ăn bằng truyền thống, sống bằng tiềm năng, nhưng không thể thiếu những điều đó. Thực tiễn lịch sử diễn ra một thế kỷ trước cho thấy, tương lai của một đất nước, một sự nghiệp cách mạng không chỉ thể hiện ở chỗ nó giải quyết đúng đắn hay không về mục tiêu, nhiệm vụ, biện pháp mà còn tùy thuộc vào việc có chuẩn bị tốt về con người hay không. Thế hệ thanh niên Việt Nam trong thế kỷ XX đã cống hiến trọn đời vì lý tưởng cao đẹp, hoàn thành sứ mệnh cao cả của lịch sử. Họ đã làm nên một tấm gương sáng về con đường đi tìm lý tưởng sống cho thế hệ thanh niên ngày này và mai sau noi theo tiếp bước. Chính sức trẻ của các thế hệ thanh thiếu niên ở mọi thời đại trong lịch sử đã mang lại sức mạnh cho dân tộc ta vượt qua mọi thử thách. Lý tưởng của thế hệ thanh niên ngày nay vẫn là ra sức lao động, học tập và rèn đức luyện tài để trở thành “những con người xã hội chủ nghĩa”(14)
Chú thích và nguồn tài liệu tham khảo:
* Th.s Nguyễn Quốc Hùng - Khoa LLCT&KTĐC - Trường Đại học Văn hóa TP.HCM - số 51 Quốc Hương - P. Thảo Điền - Q.2 - TP. HCM.
1. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia (2002), Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, tr 185, Hà Nội.
2. Đoàn Nam Đàn (2008), Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên, tr 34, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
3. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia (2002), Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, tr 133, Hà Nội.
4. Lê Quốc Sử (2001), Chuyện kể Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai, tr 133, Nxb Thanh niên, Bế Tre.
5. Nhà xuất bản Giáo dục, Tố Hữu -, về tác gia và tác giả, tr 358.
6. Sóng Hồng tức Đặng Xuân Khu hay Trường Chinh - Tổng bí thư từ 1941 đến 1956 và năm 1986.
7. Tên một cuốn sách của Nguyễn Văn Cừ - Tổng bí thư từ 1938 đến 1940.
8. Nhà xuất bản Giáo dục, Tố Hữu -, về tác gia và tác giả, tr 487.
9. Tên của Đảng Xuân Khu được Bác Hồ đặt.
10. http://vi.wikipedia.org/wiki/H%C3%A0_Huy_T%E1%BA%ADp
11. http://vietbao.vn/The-gioi-tre/Tuoi-17-ngay-ay-bay-gio/40052238/275/
12. Daniel Hémery (2001), Từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác, tr 59, Nxb Lao Động, Hà Nội.
13. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, tr 341, Hà Nội - 2002
14. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia (2002), Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh, tr 282, Hà Nội.