VHSO - Chia sẻ và tận dụng nguồn nhân lực, chuyên gia của hai bên trong triển khai nghiên cứu, tư vấn góp phần huy động nguồn nhân lực “mềm” để thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao trong bối cảnh tinh giản biên chế, sụt giảm đội ngũ chuyên gia đầu ngành và đòi hỏi ngày càng lớn hơn trong nghiên cứu, tư vấn chính sách và ứng dụng chuyển giao kết quả lan tỏa tại địa phương…là những nội dung trong thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ đã được ký kết vào sáng ngày 28/12.
Đại diện lãnh đạo các bên hội đàm trước lễ ký kết sáng 28/12.
Sáng ngày 28/12, tại Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ (Số 49 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Nghé, Quận 1), đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh với Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ. Tham dự lễ ký, về phía Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ có PGS.TS. Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách; TS. Phú Văn Hẳn, Phó Viện trưởng. Về phía Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh có PGS.TS. Lâm Nhân, Hiệu trưởng; ThS. Nguyễn Thanh Tùng, Phó Trưởng Phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế.
PGS.TS. Lâm Nhân, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh ký thỏa thuận hợp tác với PGS.TS. Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.
Tại lễ ký, đại diện lãnh đạo hai bên đã cùng nhau thống nhất và đi đến ký kết thỏa thuận hợp tác trong thời gian 5 năm với 6 nội dung gồm: Phối hợp, liên kết chặt chẽ trong công tác nghiên cứu, thúc đẩy các hoạt động khảo sát, điều tra,… triển khai các nhiệm vụ đào tạo, đề tài, dự án nghiên cứu khoa học của hai bên chủ trì hoặc triển khai; Phối hợp tổ chức chuyển giao, ứng dụng kết quả khoa học của các bên tại vùng Nam Bộ và cả nước trên cơ sở mở rộng kênh lan tỏa làm tốt chức năng, nhiệm vụ của các bên, thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn cuộc sống; Phối hợp tổ chức các sự kiện khoa học hằng năm (Hội thảo, tọa đàm, diễn đàn,..). Xây dựng kế hoạch phối hợp ở mức độ phù hợp với nhu cầu, chức năng và nguồn lực của các bên. Đặc biệt chú ý khai thác hướng tổ chức các sự kiện khoa học gắn với các cơ quan Ban, Bộ, ngành trung ương và các địa phương; Mời hoặc giới thiệu các chuyên gia, các nhà khoa học của hai bên trong việc triển khai các đề tài, dự án, nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo hoặc sự kiện khoa học mà một trong hai bên chủ trì hoặc tham gia ở vùng Nam Bộ và cả nước; Chia sẻ cơ sở dữ liệu, thông tin khoa học, thư viện,… phù hợp quá trình chuyển đổi số của hai cơ quan, phù hợp quy định pháp luật; Hoạt động tập huấn, đào tạo, chia sẻ, hợp tác và trao đổi đăng bài tạp chí, xuất bản sách hoặc các hoạt động khác trên cơ sở phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và nguồn lực của một trong hai bên.
PGS.TS. Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ phát biểu tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác.
Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ có tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh là Southern Institute of Social Siences (SISS). SISS tiền thân là Viện Khoa học xã hội miền Nam, được thành lập vào ngày 12/9/1975, theo Quyết định số 13/QĐ/75 do Bí thư Trung ương Cục miền Nam Nguyễn Văn Linh ký. Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, có chức năng nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản về phát triển bền vững vùng Nam Bộ dưới góc độ khoa học xã hội; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch chính sách phát triển nhanh và bền vững của vùng; tổ chức đào tạo sau đại học về khoa học xã hội cùng với Học viện Khoa học Xã hội; tư vấn về phát triển bền vững; tham gia phát triển tiềm lực khoa học xã hội của vùng. Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ trải qua các thời kỳ phát triển với nhiều tên gọi khác nhau: Viện Khoa học xã hội miền Nam, Cơ sở Nghiên cứu của Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam ở phía Nam, Viện Khoa học Xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ và nay là Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ. Hiện nay, Viện có gần 80 nhà nghiên cứu. Trong đó có gần 60 người có chức danh giáo sư, phó giáo sư, học vị tiến sĩ, thạc sĩ. Viện có 10 trung tâm nghiên cứu, 3 phòng chức năng giúp việc Viện trưởng và Tạp chí Khoa học xã hội, Thư viện Khoa học xã hội.
PGS.TS. Lâm Nhân, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác.
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ đã mở ra cơ hội hợp tác toàn diện giữa các bên trong việc hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực văn hóa có chất lượng cao cho xã hội. Đây cũng là cơ hội cho hai đơn vị phát huy tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu hợp tác để thúc đẩy sự phát triển về nghiên cứu khoa học và đào tạo; Khai thác và vận dụng có hiệu quả các tiềm năng về cơ sở vật chất, con người, chuyên môn trong các nhiệm vụ khoa học công nghệ, tổ chức sự kiện, trao đổi thông tin khoa học,… trong tương lai.
Đoàn chủ tọa điều hành Hội thảo khoa học “Phát triển bền vững tỉnh Tây Ninh trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số” sáng 28/12.
Dịp này, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ và Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Phát triển bền vững tỉnh Tây Ninh trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số” đã thu hút nhiều đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu,…tham dự với nhiều tham luận và ý kiến đóng góp rất có giá trị. Đây là cơ sở để Ban Tổ chức hội thảo nhìn nhận vấn đề, đánh giá tiềm năng và khả năng phát triển bền vững của tỉnh Tây Ninh trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số./.
Tin và ảnh: Hoàng Hải
BBT Website Trường Đại học Văn hóa TP.HCM