Đài truyền hình TP.HCM phát sóng 6 vở kịch của sinh viên Đại học văn hóa

bởi quản trị viên | Ngày đăng: 06-08-2019


      Vào lúc 18g30 thứ sáu hàng tuần (bắt đầu từ thứ 6 ngày 2/8) trên kênh HTVC Thuần Việt - Đài truyền hình TP.HCM sẽ phát sóng 6 vở kịch của sinh viên trường Đại học văn hóa TP.HCM. Đây chính là các vở diễn đã dự thi kết thúc học phần Nghệ thuật diễn xuất của sinh viên lớp Đại học quản lý văn hóa 11.3 do thạc sĩ – đạo diễn Hoàng Duẩn giảng dạy.

Đã gần 2 tháng trôi qua kể từ ngày kết thúc học phần "Nghệ thuật diễn xuất" của lớp Đại học Quản lý văn hóa 11.3. Buổi biểu diễn kết thúc học phần đã mang lại nhiều cung bậc cảm xúc cho quý vị khán giả và sự thăng hoa trên sân khấu của các bạn “diễn viên” đến từ các kịch bản: Nếu, Hiếu, Danh, Hẹn, Nghiệp, Sĩ. Và một tin vui sẽ được dành cho tất cả các bạn là tất cả vở diễn sẽ được PHÁT SÓNG trên kênh HTVC Thuần Việt vào lúc 18g30 thứ sáu hàng tuần (bắt đầu từ thứ 6 ngày 2/8). Đây chính là quả ngọt mà cả tập thể lớp chúng tôi gặt hái được trong suốt quá trình học tập tại trường Đại học Văn hóa TP.HCM.

Đối với tôi đến ngày hôm nay tôi vẫn còn cảm thấy hạnh phúc và tự hào, là một sinh viên năm thứ ba chuyên ngành quản lý hoạt động văn hóa, nghệ thuật với môi trường học tập năng động, sáng tạo đã thúc đẩy tôi trở thành một con người mới giàu năng lượng và luôn thích ứng được trong mọi hoàn cảnh. Cụ thể, “Nghệ thuật diễn xuất” là một học phần đòi hỏi thời gian, kỹ năng và cả năng khiếu nữa. Lúc đầu tôi ngỡ ngàng và cảm thấy rất xa lạ với môn học này, tôi còn tự thu mình lại và thầm nói rằng môn học này không dành cho tôi. Môn học chỉ có bốn tín chỉ và khoảng thời gian tương đối không nhiều nhưng chúng tôi rất may mắn được Thầy Hoàng Duẩn phụ trách giảng dạy. Từ ngày nhập môn chúng tôi đã được học rất nhiều về đạo đức diễn viên, đạo đức làm nghề, những kỹ năng ứng biến sân khấu, và tiếp cận hàng loạt các vai diễn từ diễn với đạo cụ là chiếc gương, cho đến các vai người điên, người say rượu thậm chí là các vai của động vật chúng tôi đều được thầy chỉ dạy một cách tận tình.

Khoảng thời gian ngắn ngủi ấy như đã rèn dũa ra những con người mới- những con người có trách nhiệm. Cả tập thể lớp ai cũng cố gắng hết sức để hoàn thành tốt phần thi của mình. Gần đến ngày thi đó là những ký ức đẹp trong tôi. Chúng tôi phải  tự viết kịch bản và tập trước đó để Thầy duyệt và chuẩn bị đạo cụ sân khấu cho từng vở diễn từ đơn giản cho đến hoành tráng chúng tôi phải vừa làm, vừa nói thoại với nhau. Nhắc nhở nhau từ những điều nhỏ nhất, chưa bao giờ tôi cảm nhận được “tình nghệ sĩ” một cách chân thực như vậy. Đến ngày chạy chương trình chúng tôi bỏ hết các công việc bên ngoài tập trung phục vụ cho vai diễn. Cả thầy và trò chúng tôi làm việc say mê, đôi lúc dừng lại ăn ổ bánh mì cũng cảm thấy nó ngon vô cùng. Đúng là làm từ những gì mà mình yêu thích và đam mê thì luôn cảm thấy vui và hạnh phúc. Những ngày gần thi hầu như chúng tôi ăn ngủ cùng nhau, làm việc cùng nhau, tính toán và áp dụng những gì học hỏi được vào phần thi của mình. Đứa nhà xa thì về sớm, đứa ở gần thì tầm tối mới chịu về, luôn cả các bác bảo vệ cũng nhớ hết mặt.

Và rồi ngày thi cũng đến, chúng tôi quyết làm cho khán giả khóc, cười trên chính sân khấu này. Trước đó, chúng tôi hứa hẹn sẽ mang lại nhiều cung bậc cảm xúc cho khán giả nhưng cho đến thời điểm này chúng tôi đã làm được và còn hơn như thế nữa. Tôi là một trong những diễn viên trong tiểu phẩm “Danh” đứng trước khán giả tôi như vỡ òa hạnh phúc vì sự nghiêm túc và chuyên nghiệp khi mình được đứng trên sân khấu, sống cuộc đời không phải là mình nhưng vẫn làm khán giả tin đó là cả một quá trình tập luyện và tâm huyết của tôi. Mỗi tiểu phẩm là một cuộc đời, một màu sắc khác nhau hoàn toàn, có những nụ cười rộn rã nhưng đâu đó cũng có những giọt nước mắt thầm rơi vì sự đồng cảm giữa khán giả và tiểu phẩm. Nói đến đây tôi lại nhớ vở diễn của mình vô cùng.

Câu chuyện nói về một cậu bé tên là Hoàng Minh bị khiếm thính bẩm sinh và người cha là một vị giáo sư tài năng tên là Hoàng Lâm.

Ông vì danh vọng mà cướp đi sự tự do, sự hạnh phúc và cả tuổi thơ của con trai mình. Ông sợ xã hội chê cười, sợ người khác đàm tiếu và vì những nỗi sợ vô hình ấy mà cướp đi tất cả những gì của cậu con trai kể cả mạng sống của cậu bé.

Bà Mai em gái của ông là một người hiền lành và có sự đồng cảm với trẻ em bị khiếm thính, bà đã nhận nuôi bé Bảo An và dẫn bé về gặp ông Hoàng Lâm làm cho ông thức tỉnh rằng chẳng có gì quý bằng tình cảm gia đình.

Qua câu chuyện trên chúng tôi chỉ mong muốn khán giả có cái nhìn thoáng hơn đối với các em bị khiếm thính bẩm sinh vì các em cũng có quyền sống và hạnh phúc. Và trên hết hãy trân trọng chính gia đình của mình vì danh vọng chỉ cho ta nữa cuộc đời, nữa cuộc đời còn lại chúng ta phải biết yêu thương và chia sẻ nhiều hơn khi còn có thể.

Sự cố gắng luôn là vũ khí mạnh mẽ nhất để bạn phát triển, để rồi sự cố gắng của tập thể lớp đại học quản lý văn hóa 11.3 đã được ghi nhận bằng những giờ phút phát sóng trên kênh HTVC Thuần Việt. Tôi được biết đây dường như là lần đầu tiên sinh viên một trường văn hóa nghệ thuật mà sản phẩm thi kết thúc học phần diễn xuất lại được phát sóng trên truyền hình của một trong những thành phố lớn nhất nước. Đó là thành công lớn nhất đối với chúng tôi, xem lại từng vở kịch trên kênh truyền hình, nhìn thấy những con người cùng mình gắn bó suốt hai tháng được thể hiện bằng đam mê và lòng nhiệt huyết, tôi như hạnh phúc đến vỡ òa.

Lắm lúc lại lau dòng nước mắt khi vở kịch quá thành công nhờ những bàn tay thầm lặng. Tôi nhớ hôm đó chỉ có bốn bạn hậu đài còn tất cả là chúng tôi tự chuẩn bị cho nhau từ trang phục, đạo cụ, cảnh trí. Chúng tôi trao cho nhau niềm tin, giúp đỡ nhau từng màn, từng cảnh. Tuy chúng tôi đã làm hết sức của mình cống hiến tất cả những gì chúng tôi học hỏi được nhưng một chương trình biểu diễn nghệ thuật nào cũng có đôi chút sơ xuất. Chúng tôi lấy khó khăn để làm kinh nghiệm, làm hành trang cho công việc sau này khi ra trường.Tôi cảm thấy mình rất may mắn khi được học tập trong một môi trường năng động và sáng tạo. Em thay mặt tập thể lớp đại học quản lý văn hóa 11.3 xin trân trọng cảm ơn Trường đại học Văn Hóa TP.HCM, Khoa quản lý văn hóa, nghệ thuật đã tạo cho chúng em môi trường học tập tốt nhất để chúng em phát huy được những mặt tích cực cũng như trao dồi thêm kinh nghiệm mà mình còn đang thiếu. Đặc biệt, em xin chân thành cảm ơn Thạc sĩ- đạo diễn Hoàng Duẩn đã giúp đỡ và tạo điều kiện cho chúng em được hoàn thành tốt môn học của mình.

                                                        Tác giả: Võ Bảo Nghi

Ảnh chụp từ màn hình: Bảo Nghi

Lịch phát sóng các vở kịch:

“DANH”: 13g30 ngày 29/7 và 18g30 ngày 2/8

“SỸ”: 13g30 ngày 5/8 và 18g30 ngày 9/8

“HẸN”: 13g30 ngày 12/8 và 18g30 ngày 16/8

NGHIỆP”: 13g30 ngày 19/8 và 18g30 ngày 23/8

“NẾU”: 13g30 ngày 26/8 và 18g30 ngày 30/8

“HIẾU”: 13g30 ngay 2/9 và 18g30 ngày 6/9

 

Từ khóa:

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA TP. HỒ CHÍ MINH

Địa chỉ:    

CS1: 51 Quốc Hương, P.Thảo Điền, TP. Thủ Đức.

CS2: 288 Đỗ Xuân Hợp, P.Phước Long A, TP. Thủ Đức. 

Điện thoại: (028)38992901

Email: dhvh@hcmuc.edu.vn

Website: http://hcmuc.edu.vn

Fanpage: https://www.facebook.com/VHS1976

 


Copyright © 2018 - http://hcmuc.edu.vn/ . All rights Reserved.