Đường vào xã Phước Cát 2 ....
Với mục tiêu đóng góp và lan tỏa những giá trị yêu thương đến những hoàn cảnh kém may mắn trong cuộc sống tại xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên, Tỉnh Lâm Đồng, lớp chúng tôi quyết định thực hiện chuyến khảo sát thực tế trước khi chính thức thực hiện sự kiện của mình.
Ngày 6/10/2018, trước khi bình minh ló dạng, trong hơi gió se lạnh của Sài Gòn, đại diện lớp ĐH Quản lý văn hóa 10.1 trường Đại học Văn Hóa Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện chuyến đi tiền trạm vượt hơn 250km đến xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng kết hợp với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương để thăm hỏi và tìm hiểu sâu hơn về vùng đất nơi đây.
Trung tâm học tập cộng đồng của xã....
Hơn 4 tiếng đồng hồ trôi qua với nhiều cảm xúc khác nhau, vui có, hồi hộp có, nôn nao có, cuối cùng chúng tôi cũng đã đặt chân đến vùng đất của núi rừng, vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên. Đường đi vào rất gồ ghề, đất đỏ, trời nắng nóng và nhà cửa thì thưa thớt. Nhà cửa nơi đây đơn sơ, nền đất, vách làm bằng tre, gỗ, mái tôn hoặc tranh và trong nhà chỉ có những đồ dùng cơ bản. Người dân nơi đây sống bằng nghề làm nông, làm rẫy và cả làm thuê. Chính con đường ấy, chúng tôi cũng đã bắt gặp được những nụ cười thân thiện, như những tia sáng chiếu vào hành trình tìm hiểu vùng đất mới lạ, nơi chúng tôi dừng chân là xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Được biết Cát Tiên là một huyện xa xôi, nghèo khó của tỉnh, trung tâm huyện cách Tp Đà Lạt 170km, là một huyện có nhiều xã nghèo, vùng sâu vùng xa, có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, như: Châu Mạ, Stiêng, Ê Đê,….Đi sâu vào, đoàn chúng tôi đã bắt gặp và thấy được nhiều hoàn cảnh khó khăn ở đây. Những đứa trẻ hồn nhiên, ngây thơ, lứa tuổi đó lẽ ra phải được thoải mái vui chơi, học tập, vô lo vô nghĩ nhưng vì cuộc sống còn khó khăn nên các em phải vất vả, phụ giúp cha mẹ mưu sinh với những công việc như: chăn bò, cắt cỏ, chăm em,…
Những đứa trẻ hồn nhiên trong khó khăn mong lắm sự chung tay của cộng đồng ...
Mặc dù là vùng đất đại ngàn, giàu tài nguyên thiên nhiên nhưng về nguồn nước sinh hoạt hằng ngày cho người dân còn hạn chế và chưa được đảm bảo. Hằng ngày người dân nơi đây phải đi hàng trăm mét để lấy nước từ các con sông, suối,... để đem về dùng trong sinh hoạt. Nguồn nước đó có đảm bảo và đủ thuận lợi cho việc sinh hoạt của họ không? Hiện nay, vấn đề về đáp ứng nguồn nước sinh hoạt là nỗi lo hàng đầu không chỉ riêng từng hộ gia đình mà còn là của các cấp chính quyền địa phương. Vì họ đang thực sự gặp khó khăn trong vấn đề đảm bảo cũng như cung cấp đầy đủ nguồn nước cho người dân. Những hình ảnh đó đã đọng lại trong lòng chúng tôi một sự quyết tâm và một tình thương sâu sắc.
Bồn chứa và lọc nước sạch, hiện nay bà con còn thiếu những chiếc bồn như thế này....
Trở về Sài Gòn mà trong lòng tràn ngập những hình ảnh vất vả của người dân cũng như những trẻ em ngây thơ và thiếu thốn nơi đây, những lưu luyến khi chia tay các em và sự nhiệt tình của người dân đã thúc đẩy chúng tôi quyết tâm tổ chức cho bằng được sự kiện “Đại ngàn - Khơi dòng yêu thương” tại xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng.
Hẹn gặp lại Phước Cát vào những ngày giữa tháng 12/2018.
Trung tuần tháng 12/2018 sân khấu của sự kiện "Đại ngàn-khơi dòng yêu thương" sẽ được dựng tại vách núi này...
Đoàn khảo sát tiền trạm của thầy trò Khoa Quản lý Văn hóa, Nghệ thuật chuẩn bị cho sự kiện
Sự kiện “Đại ngàn – Khơi dòng yêu thương” do lớp Đại học QLVH 10.1 có sự cố vấn của Thạc sĩ-đạo diễn Hoàng Duẩn và thạc sĩ Trần Hoàng Thái sẽ diễn ra vào ngày 14/12/2018 tại Xã Phước Cát 2.
Chương trình rất mong muốn nhận được sự tài trợ, hỗ trợ của các mạnh thường quân, cơ quan, doanh nghiệp.
Bài: Yến Nhi
Ảnh: Nhóm truyền thông
Biên tập: Hoàng Trịnh
Xem thêm về sự kiện qua fanpage
www.facebook.com/khoidongyeuthuongVHS